Việt Nam chế tạo thành công máy phân cỡ tôm thay máy nhập ngoại

Đây là loại máy lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, do các kỹ sư người Việt thiết kế, chế tạo, lập trình toàn bộ phần mềm, bảng mạch điện tử, hệ thống cơ khí.
Việt Nam chế tạo thành công máy phân cỡ tôm thay máy nhập ngoại ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Kỹ sư Nguyễn Thành Chương, giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ QCM (Đà Nẵng) cùng các cộng sự đã chế tạo thành công máy phân cỡ tôm điện tử phục vụ trong công nghiệp chế biến thủy sản thay thế máy nhập ngoại.

Sản phẩm này vừa đoạt giải cao nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2015 và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao giải WIPO cho Giải pháp xuất sắc nhất.

Đây là loại máy lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, do các kỹ sư người Việt thiết kế, chế tạo, lập trình toàn bộ phần mềm, bảng mạch điện tử, hệ thống cơ khí. Phần mềm song ngữ, dễ dàng sử dụng cả trong nước và ngoài nước.

Kỹ sư Nguyễn Thành Chương cho hay, với thực tế chế biến và công nghệ hiện tại của Việt Nam và thế giới, việc phân cỡ bằng tay tốn quá nhiều nhân công, năng suất thấp. Phân cỡ bằng hệ thống phân cơ khí giải quyết được bài toán năng suất nhưng chưa giải quyết triệt để được bài toán độ chính xác để đáp ứng nhu cầu.

Máy phân cỡ điện tử do nhóm chế tạo giải quyết được kết hợp vừa công suất, vừa độ chính xác. Loại máy này không cồng kềnh nhờ bộ phận cấp phôi dạng máng, không dùng băng tải nên tiết kiệm được diện tích chiều dài. Dùng cân tĩnh phù hợp với điều kiện cũng như năng lực công nghệ của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo công suất cao.

Cơ cấu phân cỡ thông minh, với 8 đầu ra cỡ tôm nhưng chỉ sử dụng 4 xilanh. Việc này cực kỳ quan trọng vì nếu phân được 8 cỡ thông thường phải dùng 8 xilanh đóng mở khác nhau sẽ làm hệ thống lớn, cao và cồng kềnh.

Với số lượng 4 công nhân cấp phôi vẫn đáp ứng được công suất đề ra. Về giá thành, máy phân cỡ điện tử của nước ngoài có giá thành quá cao so với đa số các doanh nghiệp hiện tại v ới chi phí mỗi máy khoảng 2,5 tỷ đồng cùng các vấn đề sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế đều phụ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài.

Loại máy của công ty rẻ hơn 1 tỷ đồng so với hàng ngoại nhập, thay thế được 25 công nhân phân cỡ bằng tay nên vừa tăng năng suất lao động, vừa giảm lượng công nhân cho nhà máy lại chủ động khâu bảo dưỡng, sửa chữa.

Hiện tại, máy được sử dụng hiệu quả tại nhà máy sản xuất tôm xuất khẩu của Công ty cổ phần thủy sản Tôm Vàng, Công ty cổ phần thủy sản Bá Hải, tỉnh Phú Yên.Máy có khả năng áp dụng rộng rãi trong các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, đặc biệt các loại tôm có giá trị gia tăng cao và đòi hỏi chính xác về sự đồng đều tôm cũng như khối lượng như tôm sushi, tôm tẩm bột. Hướng tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp mở rộng áp dụng vào phân cỡ cho các loại thủy sản khác như cá, thịt, mực...

Thiết bị này làm tăng khả năng nội địa hóa các sản phẩm công nghệ cao, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam không những giảm được chi phí đầu tư cho sản xuất mà còn góp phần tăng được tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên trường quốc tế.

Máy đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ, được Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đà Nẵng chứng nhận kiểm định độ chính xác các đầu cân của máy./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.