Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 và các cuộc họp liên quan diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 18/2-3/3/2017 đã bước vào ngày làm việc cuối cùng ở cấp ủy ban và nhóm công tác.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về những vấn đề liên quan.
- Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) trong tình hình hiện nay tại khu vực và quốc tế?
Ông Bùi Thanh Sơn: Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, có ý nghĩa quan trọng mở đầu Năm APEC Việt Nam 2017 và khởi động công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay tại thành phố Đà Nẵng.
Dịp này sẽ diễn ra 60 hoạt động của các ủy ban, nhóm công tác, tiểu ban của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, dịch vụ, du lịch, an ninh lương thực, biển và đại dương, ứng phó với thiên tai, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, di chuyển doanh nhân, y tế, khoa học đời sống và sáng tạo, chống tham nhũng…
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển biến sâu sắc; kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đều tăng trưởng chậm hơn dự báo; một số biểu hiện của chủ nghĩa dân túy và bảo hộ đang thách thức các thành quả về toàn cầu hóa, các kết quả của Hội nghị sẽ có ý nghĩa then chốt định hướng hợp tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương xuyên suốt năm 2017, góp phần triển khai chủ đề của Năm APEC 2017 về "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tạo động lực mới cho tăng trưởng của châu Á-Thái Bình Dương và từng nền kinh tế trong khu vực.
- Thưa ông, đại diện các nền kinh tế thành viên đã đóng góp và đề xuất gì để triển khai 4 ưu tiên của Năm APEC 2017?
Ông Bùi Thanh Sơn: Thảo luận tại các cuộc họp, hội thảo, đối thoại hướng tới chuẩn bị Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) trong suốt hơn hai tuần làm việc vừa qua cho thấy sự ủng hộ và nhất trí cao của các thành viên đối với 4 ưu tiên hợp tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017 gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại các cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đề xuất nhiều sáng kiến, biện pháp thiết thực, cụ thể nhằm triển khai các ưu tiên của năm. Có thể kể đến các kế hoạch, chiến lược dài hạn về đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, phát triển nông thôn-thành thị bền vững, đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, hợp tác về du lịch bền vững, công nghiệp hỗ trợ, thuận lợi hóa thương mại điện tử qua biên giới, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa… Các kiến nghị và đề xuất của các thành viên sẽ được các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương xem xét cụ thể và thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp diễn ra trong ngày tới.
Các thành viên cũng đề xuất nhiều dự án , chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực để tạo thuận lợi cho các thành viên, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, tham gia và tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội hợp tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Trong suốt cuộc họp những ngày vừa qua, đoàn Việt Nam, gồm các bộ, ngành, cơ quan liên quan, đã tích cực, chủ động tham gia và có nhiều đóng góp thực chất cho các quan tâm chung của khu vực về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mở rộng kinh doanh, đầu tư, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực...
Các bộ, ngành trao đổi nhiều vấn đề thiết thực, gắn với đời sống của người dân và các địa phương, như các vấn đề phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khuôn khổ Nhóm công tác về y tế; trao đổi kinh nghiệm và các biện pháp ứng phó với thiên tai tại Nhóm Công tác về ứng phó với tình trạng khẩn cấp…
Bên cạnh đó, Lãnh đạo cùng các sở ban ngành, doanh nghiệp và người dân tỉnh Khánh Hòa đã tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị, tận dụng hiệu quả dịp này để quảng bá các tiềm năng kinh tế, đầu tư và du lịch của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và miền Nam Trung Bộ, thể hiện sự chu đáo, mến khách và năng động của địa phương.
- Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam cần làm gì để tạo dấu ấn và đóng góp cho sự thành công của sự kiện ngoại giao lớn nhất năm 2017 này?
Ông Bùi Thanh Sơn: Việc lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sau hơn 10 năm là một vinh dự lớn đối với Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm cao bạn bè khu vực và quốc tế dành cho Việt Nam. Bởi vậy, ngay từ đầu chúng ta đã xác định việc tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Trên cơ sở phát huy thế và lực của Việt Nam đã được nâng cao sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế cùng kinh nghiệm đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quốc tế lớn, trong ba năm qua kể từ cuối năm 2014, các bộ, cơ quan và địa phương, đặc biệt là ngành ngoại giao, đã chủ động và nỗ lực cao độ phối hợp triển khai các công tác chuẩn bị với kỳ vọng bảo đảm thành công Năm APEC Việt Nam trên mọi phương diện.
Thứ nhất là chuẩn bị về mặt nội dung. Chúng ta đã và đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, các viện nghiên cứu quốc tế để nắm bắt kịp thời các xu hướng, quan tâm chung của khu vực và quốc tế. Các bộ, cơ quan liên quan cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong tham gia đề xuất các ý tưởng, xây dựng các sáng kiến nhằm cụ thể hóa các ưu tiên. Việc tham vấn các thành viên sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ để bảo đảm các kết quả của Năm APEC 2017 sẽ đáp ứng các quan tâm của người dân và doanh nghiệp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nói chung và của Việt Nam.
Thứ hai là nâng cao năng lực điều phối, tổ chức, chủ trì, tham gia các hoạt động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, xứng tầm vị thế mới của đất nước. Để chuẩn bị đảm nhận vai trò chủ tịch, đồng chủ tịch hoặc chủ trì hoạt động của các ủy ban, nhóm công tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017, các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam đã tích cực tham dự các hoạt động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong các năm 2015 và 2016 để học hỏi kinh nghiệm, cách thức điều phối các hoạt động; chủ động tham gia các khóa đào tạo kỹ năng. Có thể nói, đây là một cơ hội quý báu để các bộ, ngành thể hiện bản lĩnh và năng lực, đồng thời để đào tạo một đội ngũ cán bộ đa phương có thể đáp ứng các yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Cuối cùng là bảo đảm thành công trong khâu tổ chức. Với khoảng 200 hoạt động được tổ chức trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Năm APEC 2017 đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các Bộ, cơ quan với các địa phương để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và về chất lượng đội ngũ, cũng như tạo thuận lợi để các địa phương quảng bá các thế mạnh.
Việc chúng ta tổ chức thành công Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp và các cuộc họp liên quan sẽ tạo tiền đề rất tốt để triển khai các hoạt động tiếp theo của Năm APEC 2017, đồng thời để lại trong lòng bạn bè quốc tế ấn tượng tốt đẹp về một thành phố Nha Trang, một đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, phát triển năng động, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du lịch./.