Với 2 trung tâm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân của tình trạng buôn bán người (tại Lào Cai và Nghệ An), Chính phủ Vương quốc Anh được coi là một trong những đối tác hàng đầu tài trợ và đào tạo kỹ năng phòng chống tệ nạn buôn bán người cho các cơ quan chức năng Việt Nam kể từ năm 2013.
Đánh giá về công tác này trong năm đầu tiên Việt Nam kỷ niệm "Ngày toàn dân phòng chống buôn bán người" (30/7), Đại biện lâm thời Vương quốc Anh tại Việt Nam Steph Lysaght cho rằng với sự hợp tác song phương hiệu quả, Việt Nam có thể trở thành hình mẫu tích cực để phổ biến cho nhiều quốc gia trong việc đối phó với vấn nạn đã mang tính toàn cầu.
Trong cuộc họp chia sẻ thông tin về công tác nhân quyền hồi tháng 8/2016, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã nhận định, nạn nhân buôn bán người ngoài phụ nữ và trẻ em thì còn xuất hiện trẻ sơ sinh, nam giới. Theo đó, tình hình buôn người phát triển phức tạp từ vài năm qua. Tội phạm có thủ đoạn ngày càng tinh vi, cấu kết chặt chẽ giữa trong và ngoài nước.
Tình hình buôn bán người được phát hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đặc biệt là ở các địa phương biên giới, giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Trong các mục đích buôn bán người, mại dâm và hôn nhân cưỡng bức vẫn là phổ biến nhất. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em mà đặc biệt là ở các địa phương phía Bắc Việt Nam vẫn phức tạp, xuất hiện tình trạng mua bán nội tạng.
“Nô lệ thời hiện đại”
Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VietnamPlus mới đây, Đại biện lâm thời Vương quốc Anh Steph Lysaght đã nêu rõ những khái niệm, nhận thức về các dạng thức mới của tình trạng "nô lệ thời hiện đại.” Theo ông Steph, đó là khi ai đó kiểm soát hoàn toàn một người khác, tới mức phủ nhận hoàn toàn tự do cá nhân, bóc lột dưới hình thức thương mại hoặc bóc lột lao động của người khác. Và những ví dụ thường thấy đó chính là hành động buôn bán người nhằm bóc lột tình dục hoặc lao động cưỡng bức.
Theo nhà ngoại giao này, khái niệm “nô lệ thời hiện đại” không được hiểu một cách rõ ràng trên thế giới, nó là một hình thức vi phạm nhân quyền mà công chúng chưa biết nhiều lắm.
Vấn nạn không riêng của Việt Nam
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng Vương quốc Anh, trên thế giới, ở thời điểm này có khoảng 45 triệu người bị cưỡng bức làm “nô lệ thời hiện đại” theo cách này hay cách khác. Và đó chính là lý do mà Vương quốc Anh hợp tác với Việt Nam và nhiều quốc gia khác nhằm góp phần đặt dấu chấm hết cho tất cả những dạng thức “nô lệ thời hiện đại.”
[Nam giới, trẻ sơ sinh cũng là nạn nhân của tội phạm buôn bán người]
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách pháp lý và hành động để phòng chống mua bán người. Gần đây, trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung, sửa đổi một số quy định về mua bán người đề phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế về tội phạm buôn bán người; bổ sung 2 tội danh là cưỡng bức lao động và mua bán nội tạng.
Việt Nam rất quan tâm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế như tham gia các điều ước đa phương lớn nhất (Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng chống buôn bán người); các công ước song phương với Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào; công ước ASEAN về chống buôn bán người…
Đánh giá cụ thể về hợp tác song phương Vương quốc Anh-Việt Nam trong lĩnh vực này, Đại biện lâm thời Steph Lysaght nhấn mạnh: “Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Đây là một phần trong chiến dịch toàn cầu mà chính phủ Vương quốc Anh phối hợp với rất nhiều chính phủ trên thế giới. Tôi đã thấy những tiến bộ tích cực trong việc đối phó với vấn nạn này ở Việt Nam, như việc nâng cao hiểu biết cho người dân về vấn đề này. Càng có nhiều người hiểu biết về vấn đề này thì sẽ có càng ít người trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người.”
Thông điệp tới các băng nhóm tội phạm
Nói thêm về Trung tâm bảo trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân buôn bán người do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, được khai trương ngày 25/7/2017 tại tỉnh Nghệ An, ông Steph cho biết, đây là trung tâm dành cho các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, đó là cư trú an toàn cho các nạn nhân của nạn buôn bán người từ nước ngoài, khi họ đang tìm cách quay trở lại Việt Nam.
Nhà ngoại giao Vương quốc Anh cho biết, có một vài lý do để tỉnh Nghệ An được chọn để mở trung tâm này, vì đây là tỉnh có tỷ lệ nạn nhân buôn bán người tương đối cao. Lý do thứ hai là chính quyền tỉnh Nghệ An đã rất tạo trong việc cung cấp đất để mở trung tâm.
[Thủ đoạn tội phạm buôn người tinh vi, số nạn nhân tăng cao sau 4 năm]
Theo ông Steph, Đại sứ quán Vương quốc Anh có quan hệ hợp tác với rất nhiều tỉnh trên khắp Việt Nam, nhưng một trong những tỉnh có điều kiện tốt nhất là Nghệ An. Ông Steph nói: “Chúng ta cùng chia sẻ mục tiêu chung. Thứ nhất là tăng cường sự hiểu biết về vấn nạn này, cung cấp thông tin cần thiết để người dân tránh bị sa vào bẫy của những kẻ buôn bán người. Thứ hai, bất kỳ lúc nào xác định được các nạn nhân, chúng tôi muốn hỗ trợ để họ tái hòa nhập thành công vào cộng đồng.”
“Thứ ba, chúng tôi muốn gửi thông điệp tới cộng đồng, rằng những kẻ buôn bán người là những băng nhóm vô cùng nguy hiểm, rằng chúng ta đang truy lùng chúng. Chúng ta đủ khả năng phát hiện và đưa chúng ra công lý. Thứ tư, chúng tôi muốn rằng mối quan hệ hợp tác Vương quốc Anh-Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu về chống buôn bán người để xây dựng tại các quốc gia khác. Điều này nhằm để các quốc gia biết rằng họ cũng có thể đạt được các tiến bộ trong việc đối phó với vấn nạn này như tại Việt Nam.”/.