Việt Nam có tỷ lệ người khuyết tật cao trên tổng dân số trong khu vực

Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh
Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật (3/12). (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật (3/12). (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu này cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là thông tin được đưa ra tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế về người khuyết tật (3/12) và diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật” do Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức hôm nay 1/12.

Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh, song điều dễ nhận thấy là bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật Việt Nam đã không cam chịu, chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Đến nay, còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật Người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bổ sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm…. để phù hợp với các công ước và thực tiễn.

Việt Nam có tỷ lệ người khuyết tật cao trên tổng dân số trong khu vực ảnh 1Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thăm các gian hàng của người khuyết tật. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

“Hôm nay chúng ta kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật, tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm đảm bảo chính sách, pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật được thực thi. Tôi tin tưởng rằng, với nhận thức ngày càng sâu sắc tinh thần của công ước về quyền của người khuyết tật, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được kết quả thiết thực trong việc xây dựng một xã hội không rào cản, tạo cơ hội để người khuyết tật được bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

[Phó Chủ tịch nước gặp mặt các đại biểu phụ nữ khuyết tật tiêu biểu]

Nhấn mạnh chủ đề của Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay là "Đổi mới vì một thế giới bình đẳng và hòa nhập cho người khuyết tật,” bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết UNDP tự hào hợp tác với các đối tác ở Việt Nam trong việc thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật tham gia vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

Trong 4 năm qua, Liệp hợp quốc tại Việt Nam đã chủ động nâng cao sự đa dạng trong đội ngũ cán bộ với việc tuyển dụng 7 nhân viên là người khuyết tật, trong đó có 2 người làm việc tại UNDP. Với sự hỗ trợ thích hợp, các cán bộ là người khuyết tật của UNDP làm việc năng suất và hiệu quả tương đương, đôi khi hơn các đồng nghiệp khác. Các kiến thức, kỹ năng và ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp là người khuyết tật đã mang lại giá trị lớn cho việc thiết kế, thực hiện các chương trình của UNDP.

“UNDP rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo ra một môi trường làm việc hòa nhập với các đối tác chính phủ và doanh nghiệp để khai thác hiền tài trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vui được hỗ trợ công tác nâng cao năng lực cho các quan chức chính phủ và tổ chức của người khuyết tật nhằm tăng cường năng lực các bên liên quan trong hiện thực hóa quyền của người khuyết tật,” bà Ramla Khalidi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục