Việt Nam coi trọng quan hệ với Ngân hàng Phát triển châu Á

Chiều 2/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ahmed Saeed đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Ahmed Saeed. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Ahmed Saeed. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 2/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ahmed Saeed đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ với Ngân hàng Phát triển châu Á, một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn.

Ngân hàng Phát triển châu Á đã tích cực trong các hoạt động tham vấn chính sách, xây dựng thể chế cho các cơ quan Chính phủ, trong đó có việc hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai hai hệ thống Tham vấn chính sách (e-Consultation) và nội các điện tử (e-Cabinet).

Sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.

[Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á]

Đến nay, Ngân hàng Phát triển châu Á đã tài trợ 173 chương trình/dự án với tổng vốn vay lũy kế trên 16 tỷ USD và dành cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại với tổng trị giá trên 340 triệu USD.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao việc Ngân hàng Phát triển châu Á đã tài trợ 7 chương trình trong năm tài khóa 2018 với tổng trị giá 676,96 triệu USD trước khi Việt Nam “tốt nghiệp” nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á kể từ ngày 1/1/2019.

Đề cập đến những nỗ lực gần đây của Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, đã có cuộc đối thoại trực tiếp với đại diện nhóm 6 nhà tài trợ tại Hà Nội để cùng thống nhất các biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới.

Chính phủ cũng đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận việc đưa 7 dự án của năm 2018 vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đầu tư công và sẽ sửa các Nghị định liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc giải ngân nguồn vốn ODA.

Trong bối cảnh Việt Nam đã "tốt nghiệp" nguồn vốn vay ưu đãi của nhóm các nhà tài trợ trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển còn rất lớn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị, Ngân hàng Phát triển châu Á tiếp tục dành cho Việt Nam sự linh hoạt trong tiếp cận các nguồn vốn kém ưu đãi hơn hoặc kết hợp giữa vốn vay với nguồn viện trợ nhằm giảm thiểu chi phí vay, bảo đảm an toàn nợ công.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Ahmed Saeed đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Chính phủ Việt Nam đối với các dự án sử dụng vốn ODA của nhóm 6 nhà tài trợ, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á, đặc biệt là kể từ sau khi Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Ahmed Saeed nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA mà còn tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam với nhóm các nhà tài trợ, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Ahmed Saeed cũng đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam và cho rằng Việt Nam là một hình mẫu trong việc sử dụng nguồn vốn ODA để có thể chia sẻ với các nước khác.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam để duy trì sự ổn định, phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục