Hơn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, có thể nói vị thế của Việt Nam và Cuba luôn kề vai, sát cánh, tăng cường hợp tác để đóng góp cho sự phát triển của hai nước và thế giới.
Đặc biệt, quan hệ đối tác truyền thống của Việt Nam-Cuba ở châu Mỹ là cơ sở vững chắc cho hợp tác về mọi mặt, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Trong giai đoạn năm 2019 trở về trước, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng ở mức trên 20%/năm.
Tuy nhiên, nhiều lý do khách quan và chủ quan nên quan hệ thương mại và đầu tư vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Chính vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ là cầu nối thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai nước, qua đó thúc đẩy thương mại song phương phát triển bền vững.
Bạn hàng thân thiết
Cuba là quốc gia Mỹ La tinh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1960. Năm 2025 kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cuba (2/12/1960-2/12/2025).
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2023, tổng trao đổi kim ngạch hai nước đạt 155,5 triệu USD; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Cuba đạt 155,5 triệu USD và không ghi nhận số liệu Việt Nam nhập khẩu từ Cuba.
Riêng 8 tháng năm 2024, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 134,7 triệu USD, tăng 187% so với cùng kỳ 2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 133,36 triệu USD, tăng 184,3% và nhập khẩu 1,33 triệu USD từ Cuba.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là gạo, càphê, sản phẩm hoá chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng...
Đáng lưu ý, gạo là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba. Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Cuba chủ yếu là vaccine và dược phẩm.
Những năm qua, Bộ Công Thương duy trì tổ chức đoàn tham gia Hội chợ quốc tế La Havana (FIHAV) 2 năm/lần tại La Havana, Cuba. Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho phía Cuba một số gian hàng tại các Triển lãm Vietnam Expo, Food Expo được tổ chức thường niên.
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng nhiều ưu đãi quan trọng để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Những FTA này mang lại không chỉ các cơ hội về thị trường mà còn giúp giảm thiểu các rào cản thuế quan, từ đó giúp hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Riêng đối với thị trường Cuba, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba được ký kết từ năm 2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2020 là FTA đầu tiên mà Cuba ký với một quốc gia châu Á. Theo cam kết tại Hiệp định, hầu hết các dòng thuế trong trao đổi thương mại song phương được xóa bỏ hoặc cắt giảm theo lộ trình. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai nước.
Tại buổi tiếp và làm việc với ông Rodrigo Malmierca Diaz, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ tinh thần đoàn kết với đất nước Cuba anh em và nhấn mạnh việc hai bên cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Cuba có chính sách ưu đãi, tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Cuba.
Đáp lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Rodrigo Malmierca Diaz gửi lời cảm ơn tới Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là hợp tác phát triển kinh tế và thương mại song phương. Đồng thời, nhấn mạnh sự quan tâm của Cuba trong việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sinh học và sản xuất dược phẩm, vốn là thế mạnh của Cuba trong nhiều năm nay.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế La Habana lần thứ 39 (FIHAV 39) tại thủ đô La Habana, Cuba. Đây là sự kiện thường niên có quy mô lớn nhất khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 2 của Cuba và việc tham dự triển lãm này được xem là động thái tích cực, hướng đến tăng cường hợp tác với các đối tác tại thị trường Cuba, tạo động lực cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trở lại trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, không chỉ riêng Cuba mà các nước Mỹ Latinh-Caribe được xác định là thị trường tiềm năng, tiếp tục có nhiều nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, việc thâm nhập thành công thị trường Cuba sẽ mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận sâu vào các thị trường khác thuộc châu Mỹ Latinh.
Tạo đà phát triển
Để khai tốt tiềm năng của thị trường cũng như tận dụng hiệu quả các cam kết của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba, theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên lưu ý những thuận lợi và khó khăn khi kinh doanh tại thị trường này.
Về mặt thuận lợi, hai nước có mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt và đây là cơ sở vững chắc cho các hợp tác về mọi mặt, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Cơ chế hợp tác Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Cuba và các khuôn khổ pháp lý khác giữa hai nước tương đối hoàn thiện để tạo đà phát triển cho quan hệ cũng như hợp tác trong mọi lĩnh vực.
Trong thời gian tới, thị trường Cuba tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa do các ngành sản xuất trong nước vẫn chưa có những phát triển đáng kể, đây sẽ là cơ hội cho các mặt hàng truyền thống của Việt Nam vào Cuba. Hơn nữa, đây cũng là thị trường không quá khắt khe và hàng xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng và kỹ thuật.
Mặc dù vậy, Việt Nam và Cuba có khoảng cách địa lý xa xôi khiến chi phí vận tải tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài. Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến khả năng thanh toán và cung ứng năng lượng của phía Cuba cũng là những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong kinh doanh, đầu tư tại thị trường này.
Đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ nhấn mạnh thêm rằng, rõ ràng tiềm năng thị trường đang hiện hữu, tuy vậy để biến cơ hội thành thành công đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chính doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế-thương mại trên thế giới phức tạp, khó lường như hiện nay.
Bởi vậy, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường và cập nhật chính sách kinh tế-thương mại-đầu tư của Cuba thông qua các cơ quan, đơn vị hỗ trợ của nhà nước như Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam... Bên cạnh đó, tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư, kết nối giao thương với đối tác Cuba để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của Hiệp định thương mại Việt Nam-Cuba, tích cực tham gia các buổi hội thảo, diễn đàn, tập huấn của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi của hiệp định nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Theo đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan và Thương vụ Việt Nam tại Cuba sẽ là cầu nối để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về cung cấp thông tin thị trường, kết nối với các đối tác Cuba. Cùng đó, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, kinh doanh của doanh nghiệp./.
Việt Nam-Cuba hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp xây dựng
Bộ Xây dựng Việt Nam và Cuba tiếp tục duy trì trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý phát triển ngành; quan tâm hỗ trợ hợp tác doanh nghiệp xây dựng hai nước trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.