Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế của UNESCO

Chiều 18/3, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn liên quan đến công tác ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 18/3, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn liên quan đến công tác ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Nhiều dấu ấn quan trọng trong ngoại giao văn hóa

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Chiến lược Ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành.

Đây là sự phát triển kế tiếp của Chiến lược Ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020, đồng thời có một số nội dung mới.

Bộ trưởng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, ngược lại, qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.

Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban Di sản thế giới.

“Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa giúp tạo dấu ấn thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Thúc đẩy thực chất, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với UNESCO

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) về việc bảo tồn và phát huy di sản, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, các di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng đồng quốc tế đã công nhận không chỉ là tài sản quý báu, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị toàn cầu.

ttxvn_ta thi yen.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Do đó, việc quảng bá những hình ảnh về di sản này nhằm phát huy được sức mạnh mềm, nâng cao vị thế hình ảnh của đất nước, dân tộc ta trên trường quốc tế, điều quan trọng hơn là đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

“Bộ Ngoại giao sẽ đề xuất các chính sách để thúc đẩy thực chất, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam với UNESCO và cũng đề nghị UNESCO hướng dẫn. Chúng tôi cũng thông tin đầy đủ đến các địa phương, khi các di sản được công nhận cần làm những việc gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền và vững lâu dài,” Bộ trưởng cho biết.

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao cũng mời nhiều lãnh đạo cấp cao của UNESCO sang thăm, kết hợp tổ chức hội nghị lần đầu tiên của UNESCO về bảo tồn phát huy các di sản văn hóa.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị tiếp tục công nhận di sản của Việt Nam đúng mẫu mã để được xét duyệt. Đồng thời tiếp tục quảng bá giới thiệu về các di sản của Việt Nam với bạn bè thế giới như các biện pháp đã triển khai thời gian qua.

Triển khai các hoạt động vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết những điểm nhấn trong việc lan tỏa tư tưởng, phong cách đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam thông qua việc vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài? Thời gian tới, Bộ có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nêu rõ, di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đất nước ta, cho dân tộc ta vượt cả tính phổ quát và vượt thời đại, được nhiều nước quan tâm. UNESCO cũng đã vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất.

Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai các hoạt động vinh danh, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động như phối hợp với các nước bạn xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh, đại lộ Hồ Chí Minh, Tượng đài Hồ Chí Minh, đặt tên đường…

Đồng thời, tổ chức những buổi trao đổi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là các hội nghị, tọa đàm, xuất bản các tác phẩm của Bác bằng nhiều thứ tiếng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục