Mặc dù áp lực cạnh tranh sẽ cao hơn khi tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) nhưng các ý kiến tại cuộc tọa đàm "Hóa giải các thách thức từ AEC" do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 22/1, tại Hà Nội đều cho rằng, việc hội nhập sẽ thành công.
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường kinh tế, Đại học quốc gia cho rằng, khi chính thức gia nhập AEC, nền kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi. Quan trọng nhất vẫn là thị trường và các cơ sở sản xuất thống nhất. Ngoài ra, thuế doanh nghiệp sẽ rút dần về mức 0% sẽ là lợi ích to lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Phân tích thêm, ông Sơn cho rằng, khi tham gia vào AEC, sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, những thách thức đặt ra cũng không phải là ít, nhất là sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thấp nên nguy cơ bị mất thị trường nội địa rất dễ xảy ra.
Minh họa cho ý kiến trên, theo ông Sơn từ nhiều năm nay, hàng hoá của các nước trong khối ASEAN đã tràn ngập thị trường Việt Nam, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn của Việt Nam thời gian qua đã bị thâu tóm, gần đây nhất là việc siêu thị Metro Việt Nam chuyển nhượng cho một doanh nghiệp từ Thái Lan.
"Trong ngắn hạn, lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hiện nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang tìm cơ hội để vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường, chưa kể tầng lớp trung lưu đang yêu thích hàng hóa ngoại, nhất là hàng Thái. Tuy nhiên, việc hội nhập của Việt Nam chắc chắn sẽ thành công," ông Sơn nói.
Có thể thấy, việc gia nhập AEC sẽ tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới 90% số doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, chỉ có 20% doanh nghiệp lớn chuẩn bị tốt việc tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN trong khi có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thờ ơ không biết những gì đang đợi họ ở phía trước.
Về nguyên nhân, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được việc hội nhập rất gần, thậm chí là chủ quan vì cho rằng khi vào tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng chưa bị tác động nhiều, do vậy đã không cân đo được chính xác các thiệt hại có thể xảy ra.
"Cạnh tranh cao cũng tạo ra cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp thay đổi nhận thức, nếu được chuẩn bị tốt thì khả năng hội nhập sẽ mạnh mẽ hơn," ông Sơn nêu ý kiến.
Chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng theo thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, về vĩ mô, Việt Nam đã chuẩn bị mọi công việc để sẵn sàng cho hội nhập thành công.
Thể hiện rõ nhất là hệ thống pháp lý hiện nay khá hoàn chỉnh, bên cạnh đó Việt Nam có cơ chế ổn định và môi trường đầu tư tốt đang thu hút rất lớn lượng đầu tư nước ngoài. Thậm chí, Việt Nam đã sản xuất nhiều hàng hóa đủ để cạnh tranh với nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản như: Dệt may, nông sản, da giày...
Đáng chú ý, theo thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, quản lý, xúc tiến quảng bá hàng hóa, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng thành tự khoa học mới, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
"Việt Nam đã có cả một quá trình diễn tập để chuẩn bị cho việc tham gia cộng đồng chung ASEAN, việc hội nhập sâu hơn, trong bối cảnh mới đòi hỏi cả phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực làm nhiều hơn," thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.
Cộng đồng kinh tế chung ASEAN dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015 với mục tiêu là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có tay nghề trong khối.
Bốn mục tiêu trụ cột của AEC được tuyên bố bao gồm: Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Một khu vực phát triển đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu./.