Việt Nam đang đi đúng hướng trong tiến trình hội nhập WTO

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng khi đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại.
Việt Nam đang đi đúng hướng trong tiến trình hội nhập WTO ảnh 1Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

“Việt Nam đang đi đúng hướng”. Đây là khẳng định của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Roberto Azevêdo, khi đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại.

Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 14-15/4, Tổng Giám đốc WTO đã trả lời phỏng vấn của phóng viên thường trú TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ). Sau đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn:


Đây là lần đầu tiên một Tổng Giám đốc WTO thăm chính thức Việt Nam. Xin ông cho biết mục đích của chuyến thăm này?

Roberto Azevêdo:  Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Việt Nam với tư cách là Tổng Giám đốc WTO và cũng là chuyến thăm đầu tiên của cá nhân tôi đến đất nước các bạn, quốc gia mà tôi rất quan tâm.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, cả trong lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội. Hàng triệu người đã thoát khỏi nghèo đói. Tôi vui mừng khi chứng kiến những thành quả của đất nước các bạn trong vài năm trở lại đây.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tại châu Á. Nền kinh tế Việt Nam đang có vai trò trong khu vực và trên thế giới.

Tại chuyến thăm này, điều quan trọng là tôi muốn được nghe giới thiệu về những dự án của Việt Nam, những chiến lược thương mại, phát triển đất nước.

Trong chuyến thăm này, tôi sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ, các đại diện doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu và điều quan trọng là tôi lắng nghe các ý kiến của họ và xem xét xem WTO có thể trợ giúp Việt Nam thế nào. Và còn nữa, chúng ta cần làm thế nào để tăng cường đối thoại giữa hai bên.

Xin ông cho biết đánh giá của WTO đối với nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại?

Roberto Azevêdo: Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 và đã ghi nhận những thay đổi đáng kể do những cải cách thực hiện cả từ trước và sau khi gia nhập WTO. Thương mại được tự do hóa đáng kể, mức thuế nói chung được hạ xuống, nhiều cải cách tích cực trong lĩnh vực dịch vụ.

Ngoài ra còn có những cải thiện rõ rệt trong vấn đề thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chính phủ đã có một số bước đi hiện đại hóa nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn và thuận lợi hơn. Những điều này đang mang lại lợi ích cho quốc gia.

Như vậy tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Việt Nam cũng đã phát triển một mạng lưới các hiệp định thương mại và tham gia vào những hiệp định khu vực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều này cũng rất quan trọng. Những nỗ lực của Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng.

Theo ông, WTO và Việt Nam cần làm gì để tăng cường vai trò, vị thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại thế giới?

Roberto Azevêdo: Trước tiên WTO và Việt Nam phải tiếp tục đối thoại nhiều hơn. Đó cũng là điều tôi đang làm và là lí do tôi tới Việt Nam, nhằm hiểu biết sâu sắc hơn về những kế hoạch của Việt Nam cho tương lai, về những gì WTO có thể làm giúp Việt Nam thực thi những kế hoach đó.

Việt Nam cũng có thể giúp WTO phát triển các quy tắc trong vấn đề đàm phán, những lĩnh vực đàm phán có thể mang lại lợi ích cho chính quốc gia của các bạn trong tương lai. Thực thi các thỏa thuận mà chúng ta đã đạt được là rất quan trọng.

Việt ​Nam đã sớm phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi thương mại vào tháng 12 vừa rồi, và việc thực thi hiệp định này sẽ giúp giảm chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp Viêt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm một phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam.

Chúng tôi cũng đang tìm cách thúc đẩy đàm phán về các vấn đề còn tồn đọng của các vòng đàm phán Doha cũng như các vấn đề chưa được đề cập trong các vòng đàm phán này, như thương mại điện tử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tạo thuận lợi cho đầu tư.

Việt Nam có thể xem xét thảo luận các các vấn đề này tại WTO nhằm giúp quốc gia của các bạn tiếp tục các kế hoạch cho tăng trưởng và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.