Việt Nam - Dấu ấn 25 năm đậm nét trong tiến trình phát triển của APEC

Kể từ khi được kết nạp thành thành viên APEC vào năm 1998, trong 25 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

Việt Nam - Dấu ấn 25 năm đậm nét trong tiến trình phát triển của APEC ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và kết hợp các hoạt động song phương tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ từ ngày 14 đến ngày 17/11.

Chuyến công tác của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Hội nghị cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC và 25 năm Việt Nam gia nhập tổ chức.

Với Việt Nam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là ưu tiên quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh, phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Kể từ khi trở thành thành viên Diễn đàn APEC vào năm 1998, trong 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã tham gia đóng góp một cách chủ động, tích cực, năng động và đầy sáng tạo vào Diễn đàn.

Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển của Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Dấu ấn chủ nhà Việt Nam trong APEC

Ngày 15/6/1996, Chính phủ Việt Nam nộp đơn xin gia nhập APEC. Ngày 15/11/1998, tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 10 diễn ra ngày 15/11/1998, ở Kuala Lumpur, Malaysia, APEC tuyên bố chính thức kết nạp ba thành viên mới gồm Việt Nam, Nga và Peru, đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế.

Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

8 năm sau khi gia nhập APEC, năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ nhà APEC. Với hơn 100 hoạt động mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC vào giữa tháng 11/2006, Năm APEC 2006 là một sự kiện thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Với vai trò chủ nhà APEC năm 2006, Việt Nam đưa ra chủ đề "Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng."

Các hoạt động của Năm APEC 2006 được cụ thể hóa ở bốn tiểu chủ đề, thể hiện các định hướng lớn trong các lĩnh vực hợp tác của APEC: Tăng cường thương mại và đầu tư thông qua thực hiện Lộ trình Busan và thúc đẩy vòng đàm phán phát triển Doha; Tăng cường hợp tác kinh tế-kỹ thuật để thu hẹp khoảng cách và phát triển bền vững; Thúc đẩy một môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi; Tăng cường gắn kết cộng đồng.

Tại Tuần lễ cấp cao APEC ở thủ đô Hà Nội tháng 11/2006, các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Đây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực. Hiện FTAAP vẫn được xác định là một trong những định hướng của khu vực trong hai thập niên tới.

Việt Nam - Dấu ấn 25 năm đậm nét trong tiến trình phát triển của APEC ảnh 3Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội đã thông qua ba văn kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của APEC, gồm Chương trình Hành động Hà Nội nhằm thực hiện các Mục tiêu Bogor; Gói biện pháp tổng thể cải cách APEC; các cam kết hợp tác về an ninh con người, phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu, hỗ trợ các thành viên đang phát triển nâng cao năng lực hội nhập.

11 năm sau, năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của APEC, với 243 hoạt động được tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 21.000 đại biểu.

Với Năm APEC 2017 mang chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,” Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các thành viên thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn; khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối khu vực; củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế thương mại toàn cầu và ứng phó các thách thức chung.

Vai trò và đóng góp của Việt Nam được đặc biệt đề cao khi Việt Nam chủ trì khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn Mới cho Diễn đàn APEC sau năm 2020.

Thông qua hoạt động của Nhóm Tầm nhìn APEC, năm 2020, 21 nền kinh tế thành viên định hình được Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và thông qua Kế hoạch Hành động Aotearoa triển khai Tầm nhìn vào năm 2021.

Tuyên bố Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế, cùng nhiều văn kiện được thông qua đã góp phần giữ vững đà hợp tác, liên kết, duy trì giá trị cốt lõi APEC về thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Bên cạnh đó, dấu ấn Việt Nam còn thể hiện qua thành công của Ðối thoại lần đầu tiên giữa lãnh đạo APEC với ASEAN và việc Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong Tuần lễ Cấp cao Ðà Nẵng 2017.

Việt Nam - Thành viên tích cực, chủ động và trách nhiệm

Bên cạnh hai lần đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC đầy thành công, Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý rác thải đại dương, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị…

Việt Nam - Dấu ấn 25 năm đậm nét trong tiến trình phát triển của APEC ảnh 4Lãnh đạo các nước thành viên tham dự Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 tổ chức tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Ủy ban Quản lý Ngân sách, các Nhóm Công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp...

Riêng trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.

Kể từ sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến của Việt Nam về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040.”

Với việc Tầm nhìn được các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thông qua, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, diễn ra tháng 11/2017, tại thành phố Đà Nẵng.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Việt Nam vẫn chủ động tham gia, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Việt Nam là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vaccine ngừa COVID-19, bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Việt Nam - Dấu ấn 25 năm đậm nét trong tiến trình phát triển của APEC ảnh 5Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna tại Hội nghị APEC 2022 tổ chức ở Thái Lan. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Trong năm 2022, Việt Nam tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC nhằm duy trì nguyên tắc thương mại-đầu tư tự do và mở của Diễn đàn; thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn và đóng góp bảo đảm thành công của Năm APEC 2022.

Việt Nam nỗ lực đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC năm 2022, thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN trong hợp tác khu vực.

Có thể nói, trong 25 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

Với những đóng góp thiết thực và quan trọng của Việt Nam cho APEC trong suốt 25 năm tham gia, Việt Nam ngày càng được các thành viên APEC tin tưởng và đánh giá cao.

Việc Việt Nam tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC lần này với vị thế ngày càng được nâng cao và tiếp tục thể hiện rõ vai trò là một thành viên năng động, trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

Dự kiến bên cạnh Tuần lễ Cấp cao, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự các sự kiện liên quan, như Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (ngày 15/11), Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC, ngày 16/11), Đối thoại không chính thức giữa các Nhà Lãnh đạo APEC với khách mời (ngày 16/11).

Đồng thời, Chủ tịch nước cũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nền kinh tế APEC…

Các hoạt động này thể hiện trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam cho hợp tác trong APEC, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vai trò, vị thế của diễn đàn APEC trong cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục