Việt Nam đề xuất chủ đề thảo luận cho Hội nghị ASGP-132

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch và Ban Thường trực Hiệp hội Các Tổng thư ký Nghị viện (ASGP).

Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề của Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 131, chiều tối 14/10 (đầu giờ sáng ngày 15/10 ở Việt Nam), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch và Ban Thường trực Hiệp hội Các Tổng thư ký Nghị viện (ASGP).

Thay mặt Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc đã đề xuất lấy "Tính hiệu quả của mô hình giúp việc Nghị viện" là một trong những chủ đề chung tại Hội nghị ASGP-132 ở Hà Nội với hy vọng sẽ được ASGP ủng hộ và thông qua tại hội nghị năm nay.

Chủ đề này sẽ tạo cơ hội cho các thành viên chia sẻ về mô hình tổ chức của bộ máy giúp việc hiện có tại nghị viện các nước, đồng thời chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của từng mô hình để từ đó xác định những tiêu chí xây dựng bộ máy giúp việc phù hợp nhất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nghị viện từng quốc gia.

ASGP là bộ máy giúp việc của nghị viện có vai trò quan trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết để hoạt động của nghị viện có thể được vận hành trên thực tế, đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả.

Dự kiến, Ban Thường trực ASGP sẽ có cuộc họp chính thức vào ngày 16/10 để đưa ra những tư vấn quan trọng nhằm thực hiện tốt các mục tiêu được IPU đề ra.

Trong thời gian qua, Ban Thường trực ASGP đã rất tích cực hỗ trợ công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị ASGP-132 vào tháng 3/2015 tại Việt Nam.

Cùng ngày, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên họp ASGP với chủ đề “Sự phối hợp trong trợ giúp và hỗ trợ các nghị viện.”

Các tham luận tại phiên họp đánh giá cao tầm quan trọng của các kênh đa phương và song phương, trong đó nhấn mạnh vai trò của các Tổng thư ký đối với hoạt động của nghị viện.

Trong thời gian tới, để đảm bảo hiệu quả công tác điều phối nguồn lực cho nghị viện, ASGP cần xác định các tiêu chuẩn cho việc xây dựng hiệp hội phù hợp với hoàn cảnh của từng nước, qua đó xây dựng giải pháp sử dụng nguồn lực và giám sát việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục