Việt Nam đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hợp tác Mekong và các đối tác

Việt Nam đề xuất thúc đẩy xã hội kết nối thông qua phát triển mạng lưới giao thông và logistics dọc theo hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế phía Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Ngày 26/7, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM 57) và các hội nghị liên quan tại thủ đô Vientiane, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, thay mặt Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 15 (MJC 15) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Hàn Quốc lần thứ 12 (MKC12).

Hội nghị MJC 15 đánh dấu 15 năm hình thành cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản. Tại hội nghị, các nước thành viên đánh giá cao việc triển khai thành công Chiến lược Tokyo 2018, ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Hợp tác MJC đã góp phần tăng cường kết nối, chuyển đổi số, chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường, quản lý nguồn nước và thích ứng Biến đổi Khí hậu. Hội nghị đã thông qua Chiến lược hợp tác Mekong-Nhật Bản 2024 với các định hướng hợp tác trong 5 năm tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất các giải pháp để triển khai ba trụ cột của Chiến lược hợp tác MJC giai đoạn mới.

Thứ nhất, thúc đẩy xã hội kết nối thông qua phát triển mạng lưới giao thông và logistics dọc theo hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế phía Nam. Đặc biệt, tập trung vào các dự án hạ tầng chất lượng cao kết nối các cảng biển, cửa khẩu, trung tâm kinh tế, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, về số hóa, tập trung phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực số chất lượng, hỗ trợ MSME chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào các ngành công nghiệp. Thứ ba, hợp tác hiệu quả trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới, bảo đảm an ninh lương thực-năng lượng, giảm thiểu thiên tai và ứng phó Biến đổi Khí hậu.

Tại Hội nghị MKC 12, các thành viên ghi nhận hợp tác tiếp tục đạt các kết quả thực chất thông qua việc triển khai Kế hoạch hành động MKC 2021-2025. Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc (MKCF) đã hỗ trợ các nước Mekong triển khai nhiều dự án về nâng cao năng lực, bảo vệ môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, ứng phó Biến đổi Khí hậu…

Diễn đàn doanh nghiệp MKC được tổ chức thường niên, đã góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối doanh nghiệp các nước Mekong và Hàn Quốc. Các nước Mekong đánh giá cao Hàn Quốc cam kết tăng dần hỗ trợ dành cho Quỹ MKCF, để đạt mức đóng góp hằng năm là 10 triệu USD vào năm 2027.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới nhằm phát huy các tiềm năng hợp tác MKC.

Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua huy động nguồn tài trợ cho các dự án chuyển đổi năng lượng sạch, giảm phát thải khí carbon, nông nghiệp thông minh, ứng phó Biến đổi Khí hậu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa Ủy hội sông Mekong và Trung tâm nước Mekong-Hàn Quốc.

Thứ hai, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của tiểu vùng Mekong, tăng cường hợp tác tác về thương mại điện tử, phát triển công nghệ số, triển khai Diễn đàn số Mekong-Hàn Quốc. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, các dự án nhằm đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của tiểu vùng.

Đây là lần đầu tiên các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Nhật Bản và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Hàn Quốc được tổ chức sau 3 năm bị gián đoạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục