Ngày 25/2, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan tiếp tục với hoạt động của 9 ủy ban, nhóm công tác và đối tác về Thương mại và Đầu tư (CTI), Kinh tế (EC), Chính sách an ninh lương thực (PPFS), Nghề cá và đại dương (OFWG), Du lịch (TWG), Điều phối về thương mại điện tử (ECSG), Kết nối chuỗi cung ứng (A2C2), Chính sách và luật cạnh tranh (CPLG) và Tiếp cận thị trường (MAG).
Ba nhóm Chính sách an ninh lương thực, Nghề cá và đại dương và Tiếp cận thị trường khai mạc các hoạt động đầu tiên của năm 2017.
Tại nhóm Chính sách an ninh lương thực, các nền kinh tế đã thảo luận việc triển khai các chiến lược dài hạn, bao gồm “Khuôn khổ chiến lược APEC về phát triển bền vững thành thị-nông thôn nhằm củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng” và “Chương trình APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.”
Đây là những nội dung thiết thực góp phần cụ thể hóa một trong bốn hướng ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017 về “tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.”
Các đại biểu cũng hết sức quan tâm và đóng góp tích cực vào việc chuẩn bị nội dung Tuyên bố APEC dự kiến đưa ra tại Đối thoại cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại thành phố Cần Thơ tháng Tám năm nay.
Tại nhóm Nghề cá và đại dương, các nền kinh tế đã trao đổi kế hoạch công tác năm 2017 và thông báo những hoạt động hợp tác liên quan đến biển và đại dương thời gian gần đây.
Nhóm cũng cập nhật việc thực hiện một số sáng kiến, bao gồm nâng cao năng lực xử lý rác thải biển, xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro sinh thái do tác động của biến đổi khí hậu đối với thủy sản, thu hút khu vực tư nhân tham gia bảo tồn môi trường biển bền vững, sinh kế và nghề cá bền vững...
Thành lập năm 1998, cùng thời điểm Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, nhóm Tiếp cận thị trường có nhiệm vụ thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tập trung vào hai vấn đề rào cản thuế quan và phi thuế.
Tại cuộc họp hôm nay, các thành viên đã thảo luận và đề cao những đóng góp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đối với hệ thống thương mại đa phương, hội nhập khu vực, củng cố kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng chất lượng...
Các đại biểu cũng thống nhất chương trình nghị sự cho cuộc họp tiếp theo của nhóm trong năm 2017, dự kiến diễn ra vào tháng Tám tới, trong dịp Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp và các cuộc họp liên quan, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự cuộc họp, đại diện của Cơ quan hỗ trợ chính sách Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (PSU) cùng nhiều học giả quốc tế đã trình bày các nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu về tác động của các biện pháp phi thuế (NTMs) đối với hàng hóa công nghệ thông tin, sản phẩm nông sản.
Là một trong những nội dung được quan tâm hôm nay, đồng thời là sáng kiến Việt Nam đề xuất, Hội thảo “Hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)” là cơ hội để các thành viên, các học giả chia sẻ những đánh giá về khả năng tiến tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, các tác động có thể có và những trở ngại trong tiến trình hình thành khuôn khổ này, cùng khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc hiện thực hoá hiệp định.
Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương chính thức được đề cập lần đầu tiên tại Tuyên bố các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC năm 2006 tại Hà Nội.
Gần đây nhất, tại Hội nghị cấp cao tháng 11/2016 tại Lima, các Lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã đưa ra Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương; trong đó nhấn mạnh APEC đóng vai trò khởi xướng ý tưởng đối với các nội dung liên quan Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, thông qua việc dẫn dắt, đóng góp về học thuật và nâng cao năng lực... nhằm từng bước hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ Ủy ban Kinh tế, Nhóm bạn của Chủ tịch về Tăng cường cơ sở hạ tầng pháp lý hôm nay tập trung thảo luận các dự án nhằm củng cố nền tảng pháp lý kinh tế khu vực, bao gồm khả năng xây dựng một khuôn khổ hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Cuộc họp cũng lắ ng nghe ý kiến đóng góp của nhiều tổ chức quốc tế liên quan, trong đó Ủy ban Liên h ợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), Ngân hàng thế giới (WB), Viện quốc tế về nhất thể hpá pháp luật tư (UNIDROIT).
Hôm nay (25/2) cũng là ngày họp cuối cùng của các nhóm Du lịch và Điều phối về thương mại điện tử.
Bên cạnh việc rà soát tiến độ triển khai các dự án hợp tác và đề xuất các sáng kiến mới, Nhóm Du lịch đã tổ chức phiên thảo luận riêng để chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững, dự kiến tổ chức tại thành phố Hạ Long vào tháng Sáu tới.
Trong khi đó, Điều phối về thương mại điện tử lắng nghe báo cáo của một số nền kinh tế và các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Xã hội Internet (ISOC) về chiều hướng phát triển của thương mại điện tử.
Cũng trong ngày hôm nay hai hội thảo của Ủy ban Kinh tế về “Sử dụng công cụ quốc tế nhằm tăng cường thực thi hợp đồng trong tài chính chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp toàn cầu (bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - MSMEs)” và của Nhóm Chính sách và luật cạnh tranh về “Quyền hạn điều tra của các cơ quan cạnh tranh” đã kết thúc.
Các đại biểu tham dự đều đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo trong việc tăng cường chia sẻ thông tin và các điển hình khu vực trong các lĩnh vực liên quan.
Kết quả cụ thể của hai hội thảo sẽ được báo cáo lên phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế (ngày 27/2 tới) và Chính sách và luật cạnh tranh (ngày 26/2 tới).
Đoàn Việt Nam hôm nay tiếp tục tạo dấu ấn với những đề xuất về Kế hoạch hành động thực hiện “Khuôn khổ chiến lược APEC về phát triển bền vững thành thị-nông thôn nhằm củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững,” “Chương trình APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu,” Tài liệu hướng dẫn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và Khuôn khổ thuận lợi thương mại điện tử xuyên biên giới.../.