Việt Nam - điểm đến lý tưởng cho nhiều hãng điện tử quốc tế

Việt Nam hiện đã trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc khi sản xuất một loạt sản phẩm hàng đầu cho hãng công nghệ Mỹ.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook giới thiệu máy tính bảng iPad và iPad mini tại Cupertino, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo chí nước ngoài, Việt Nam đã trở thành ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, đặc biệt là với việc dần trở thành trung tâm sản xuất quan trọng nhất của tập đoàn Apple.

Trang mạng techwireasia.com nhận định Việt Nam hiện đã trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc khi sản xuất một loạt sản phẩm hàng đầu cho hãng công nghệ Mỹ, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe không dây Airpods.

Apple khởi đầu với việc các nhà sản xuất Việt Nam từng ký hợp đồng sản xuất một số sản phẩm hàng đầu của Apple bao gồm iPad và AirPod. Việc mở rộng sản xuất của Apple sang Việt Nam bắt đầu với AirPod, vốn được đưa vào sản xuất hàng loạt ở quốc gia này năm 2020.

Khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, Cupertino dần bắt đầu chuyển sản xuất iPad sang Việt Nam. Tin tức cho biết nhà lắp ráp iPad hàng đầu của Apple, BYD, đang lắp ráp máy tính bảng tại dây chuyền sản xuất ở Việt Nam.

IPad thực sự sẽ trở thành dòng sản phẩm thứ hai của Apple sau tai nghe không dây Airpods được sản xuất tại Việt Nam. Apple cũng đang thảo luận với các nhà cung cấp của mình để thử nghiệm dây chuyền sản xuất loa thông minh HomePod tại Việt Nam.

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) mới đây cũng cho hay Apple đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, đánh dấu một thắng lợi nữa cho Việt Nam khi hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất.

Theo đó, các hãng cung ứng cho Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam với mục tiêu lần đầu tiên sản xuất thiết bị này ngoài Trung Quốc.

Để sản xuất ra Apple Watch đòi hỏi mức độ tinh xảo rất cao, nên việc đạt được thỏa thuận như vậy chắc chắn sẽ là tin tốt cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Sản xuất Apple Watch sẽ là thắng lợi cho Việt Nam khi nước này đang nỗ lực nâng cấp trình độ sản xuất công nghệ của mình.

Số lượng các nhà cung ứng của Apple có cơ sở tại nước này đã tăng từ 14 năm 2018 lên ít nhất 22 hiện nay.

[Việt Nam là điểm đến nổi bật của vốn FDI ngành sản xuất giá trị cao]

Sau khi xảy ra đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp toàn cầu bắt đầu đa dạng hóa để tăng khả năng phục hồi và kết nối chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào một nước duy nhất. Những điều đó đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất do có vị trí chiến lược và lợi thế về vận chuyển, lao động cạnh tranh và chi phí sản xuất.

Đặc biệt, trong ngành lắp ráp và sản xuất các sản phẩm công nghệ từ điện thoại thông minh đến linh kiện tivi, Việt Nam ngày càng in dấu đậm nét.

Năm 2021, tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để tăng cường sản lượng màn hình OLED tại thành phố Hải Phòng. Nhiều nhà hãng điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã thiết lập sản xuất tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền lắp ráp bảng mạch điện thoại của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo phân tích của ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản, nhìn chung, nhờ sự chuyển dịch sản xuất do chiến tranh thương mại, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng gần 8%. Samsung chiếm 1/4 xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí trong năm 2022, Samsung đã củng cố vị trí là công ty xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam. Tập đoàn Intel cũng đã thành lập nhà máy lắp ráp chip lớn nhất tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đang làm tất cả những gì có thể để thu hút các nhà đầu tư Mỹ. Hãng phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics dự đoán, đến năm 2025, khoảng 4% xuất khẩu điện tử toàn cầu sẽ từ Việt Nam.

Nhà phân tích cấp cao Eddie Han của Isaiah Research cho rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều nhà sản xuất điện tử, khi mà Việt Nam đang dần phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục