Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Stewart Beck, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada, đã có bài viết về mối quan hệ giữa Canada và Việt Nam.
Trong bài viết đăng trên trang mạng The globe and mail ngày 14/9, ông Stewart Beck cho biết Canada mở Đại sứ quán ở Hà Nội năm 1994 và Tổng lãnh sự ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997. Kể từ đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia lớn thứ 11 về lượng du học sinh quốc tế (năm 2011) tại Canada và kim ngạch trao đổi thương mại song phương hàng năm đã tăng lên tới 5,5 tỷ USD (năm 2016).
Với sự tăng trưởng kinh tế phi thường, nền kinh tế ngày càng tự do hóa, cam kết tham gia và hội nhập toàn cầu, và là một thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục là một đối tác hợp tác quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và APEC.
Bài viết cũng nêu rõ trong năm ngoái, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,2% - cao gấp bốn lần Canada. Việt Nam có gần 44 triệu công dân kết nối Internet và đạt được sự cân bằng kinh tế-xã hội lớn trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam cũng đang phát triển rất mạnh.
Trên thực tế, sự phát triển thành công vượt bậc của cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra “sức hấp dẫn đối với các tri thức," thu hút các doanh nhân trẻ từ nước ngoài trở về để thành lập hoặc làm việc tại các công ty mới khởi nghiệp, mang lại những tri thức và kỹ năng mới giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển trong nhiều năm tiếp theo. Do đó, hiện nay là thời điểm thích hợp để Canada tham gia sâu hơn vào Việt Nam thông qua việc mở rộng vai trò đối tác của mình trong APEC và ASEAN.
[Việt Nam xuất siêu sang Canada, dẫn đầu ASEAN về kim ngạch xuất khẩu]
Cũng như nhiều nước khác, Canada coi các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) là động lực thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong khu vực APEC.
Việt Nam hiện có khoảng 600.000 MSME đăng ký hoạt động và con số này không ngừng tăng lên ở mức trên 100.000 MSME mỗi năm. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay đã có khoảng 14.500 MSME mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 8 tỷ USD. Vì thế, Canada có cơ hội vận dụng những kinh nghiệm về đổi mới công nghệ, kinh doanh và phát triển xanh trong việc thúc đẩy sự phát triển của các MSME ở Việt Nam cũng như khu vực APEC rộng lớn hơn.
Ngoài ra, Canada cũng có cơ hội kết nối các doanh nghiệp của mình với những đối tác tương đồng ở các nền kinh tế thành viên APEC như Việt Nam, nơi họ sẽ có cơ hội phát triển trong những lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sạch, tài chính và một số ngành dịch vụ khác. Canada có uy tín ở Việt Nam và sẽ ngày càng tốt hơn với thực tế toàn cầu hiện nay, giúp Việt Nam xây dựng và phát triển các MSME sẽ mang lại những lợi thế chiến lược cho Canada.
Theo ông Beck, Canada nên tham gia ngay từ đầu vào quá trình hình thành cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam, đưa ra những tư vấn và trợ giúp kỹ thuật. Canada cũng nên cộng tác trong phát triển thương mại điện tử và giáo dục-đào tạo không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn cho chính Canada.
Trong bài viết của mình, ông Beck cho rằng đối với thế hệ của ông đôi khi rất khó để gạt bỏ ký ức về chiến tranh, nhưng Việt Nam đã mạnh mẽ vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, trở thành một đối tác sẵn sàng và mong muốn hợp tác với Canada./.