Ngày 21/8, Hội nghị Bộ trưởng Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) lần thứ 2 đã diễn ra tại Jakarta. Một số bộ trưởng và đại diện của 11 nước thành viên AZEC, trong đó có Việt Nam, đã tham dự.
Hội nghị nhằm thảo luận những nỗ lực của các quốc gia trong việc theo đuổi các mục tiêu đưa phát thải ròng về 0, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị kinh doanh vào nỗ lực khử carbon cũng như tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp để tăng cường hợp tác trong tương lai.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto nhấn mạnh AZEC là diễn đàn gặp gỡ giữa các tổ chức chính phủ, các nhà lãnh đạo ngành và chuyên gia, để bàn thảo và khẳng định vai trò quan trọng trong năng lượng tái tạo và các hoạt động bền vững ở tất cả lĩnh vực trên thế giới.
Bộ trưởng cho biết có 34 dự án chuyển đổi năng lượng của Indonesia đã được đệ trình lên AZEC vào năm 2024 để nhận tài trợ từ Nhật Bản.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho rằng điểm mạnh của AZEC là quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân. Đến nay đã có 350 dự án khử carbon và 100 Bản ghi nhớ được triển khai trong khu vực.
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có thêm 70 Bản ghi nhớ mới được ký kết. Hội nghị cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung của Bộ trưởng AZEC lần thứ hai, công bố Bản ghi nhớ cho dự án AZEC mới và tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp AZEC.
Đặc biệt, việc ra mắt Trung tâm không phát thải châu Á nhân dịp này có ý nghĩa lớn trong việc khuyến khích sự tham gia của các đơn vị kinh doanh vào nỗ lực khử carbon cũng như diễn đàn kết nối doanh nghiệp để tăng cường hợp tác trong tương lai.
Trung tâm châu Á không phát thải được đặt tại Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) ở Jakarta như nền tảng để hỗ trợ các nước đối tác AZEC phát triển tầm nhìn, lộ trình và chính sách.
Ông Hiroki Sekine - Giám đốc điều hành, Trưởng nhóm Tài chính Cơ sở hạ tầng và Môi trường Toàn cầu, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), cho biết rất nhiều công ty tư nhân không đủ khả năng tài chính hoặc tiếp cận nguồn tài chính từ chính phủ. Vì vậy, diễn đàn này cung cấp khả năng tiếp cận tài chính đa dạng để tạo nên kết quả của sự hợp tác.
Tham gia diễn đàn doanh nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị, Việt Nam chia sẻ những nỗ lực trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, hướng đến đạt được các mục tiêu về phát thải ròng.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, cho biết đến nay, Việt Nam cùng với đối tác Nhật Bản đã xác định được trên 80 dự án có thể thực hiện trong khuôn khổ AZEC. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật Bản và các nước AZEC sẽ cùng với chính phủ và các đối tác Việt Nam triển khai thực hiện các dự án.
Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á là một phần trong sáng kiến giảm phát thải, do Thủ tướng Nhật Bản khởi xướng lần đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) ở Glasgow và chính thức ra mắt tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali năm 2022.
Các nước thành viên AZEC bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Lào, Brunei và Australia./.
Các bộ trưởng của Cộng đồng AZEC nhất trí phi carbon hóa các lĩnh vực then chốt
Trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.