Trong khuôn khổ “Tuần lễ Di cư quốc tế” do Liên hợp quốc tổ chức tại thành phố Marrakesh, Maroc, từ ngày 5-11/12, đã có hơn 70 hoạt động diễn ra, thu hút sự tham dự của đại diện đến từ 164 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và hơn 50 tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội, các viện nghiên cứu, tổ chức kiều dân và đại diện người di cư.
Trong số này có 13 người đứng đầu nhà nước và chính phủ, hơn 60 bộ trưởng, hơn 50 thứ trưởng và quốc vụ khanh.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đã tham dự các sự kiện quan trọng của "Tuần lễ Di cư quốc tế" này.
Hội nghị liên chính phủ thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) diễn ra trong 2 ngày 10-11/12 là sự kiện quan trọng nhất.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ca ngợi nỗ lực hợp tác của các nước trong quá trình xây dựng và đạt thỏa thuận lịch sử với gói giải pháp nhằm đảm bảo quản lý tốt hơn dòng di cư cũng như tôn trọng chủ quyền quốc gia, minh chứng rõ ràng cho thấy cộng đồng quốc tế đang hợp tác để giải quyết một vấn đề nóng có tính toàn cầu.
Ông cho rằng thỏa thuận đã dung hòa lợi ích của các bên liên quan, tốt cho cả nước phái cử và nước tiếp nhận, đồng thời khẳng định Thoả thuận không phải là một điều ước quốc tế, không có tính ràng buộc pháp lý và hoàn toàn tôn trọng sự độc lập, chủ quyền, tính tự nguyện của các quốc gia.
Hội nghị nhất trí cho rằng di cư quốc tế đang trở thành một vấn đề toàn cầu mà không có một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được.
Các đại biểu khẳng định người di cư phải được bảo đảm các quyền lợi cơ bản và di cư hợp pháp, có trật tự đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng hiệp ước này đem lại điều tốt đẹp cho số phận của hàng triệu người di cư trên thế giới, góp phần ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia.
[Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về di cư được thông qua tại Maroc]
Các nước đánh giá cao vai trò của Tổng thư ký Liên hợp quốc, nỗ lực của các nước thành viên và các tổ chức quốc tế, cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc để đạt được gói giải pháp toàn cầu này, khẳng định sự cam kết của các nước thành viên trong hợp tác với nhau, với Liên hợp quốc và các bên liên quan để triển khai thoả thuận một cách hiệu quả nhất.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng đáng tiếc là có một số nước chưa tham gia thỏa thuận vì theo bà việc tham gia thỏa thuận không phải là một sự lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của thỏa thuận GCM là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư; nêu rõ quan điểm và chính sách của Việt Nam khuyến khích di cư hợp pháp, có trật tự, tăng cường hợp tác quốc tế để loại bỏ nguồn gốc và ngăn chặn di cư trái phép.
Thứ trưởng cũng cho rằng không có thỏa thuận đa phương, toàn cầu nào là hoàn thiện, có thể đáp ứng mọi yêu cầu, lợi ích các nước, do vậy trong quá trình thực hiện cần tôn trọng các đặc thù của các nước và tiếp tục hoàn chỉnh.
Thỏa thuận GCM được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố New York về Người di cư và Người tị nạn được thông qua tại Phiên họp 71 Đại hội đồng tháng 9/2016 (Tuyên bố New York).
Sau 18 tháng tham vấn và đàm phán với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của đa số quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng kiều dân, người di cư và các bên liên quan, thỏa thuận GCM được đánh giá là sự dung hòa quan tâm và lợi ích của các quốc gia thành viên, bao trùm tất cả các khía cạnh của di cư trong đó người di cư là trung tâm.
Thỏa thuận GCM không mang tính ràng buộc pháp lý, được xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, chia sẻ trách nhiệm, không phân biệt đối xử và các quyền con người cơ bản; đưa ra khuôn khổ tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý di cư vì di cư hợp pháp, an toàn và trật tự phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030.
Trên cơ sở Tuyên bố New York 2016, Liên hợp quốc cũng đã đồng thời tổ chức 6 vòng tham vấn xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về Người tị nạn (GCRs). Thỏa thuận GCRs dự kiến sẽ được thông qua tại Phiên họp Đại hội đồng trong thời gian tới./.