Việt Nam được dự báo là thị trường có hoạt động M&A tăng mạnh

Việt Nam được dự báo là thị trường mới nổi có hoạt động M&A tăng mạnh

Việt Nam cùng với Mexico và Ai Cập được Baker McKenzie xếp vào nhóm những thị trường mới nổi có hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tăng cao.
Việt Nam được dự báo là thị trường mới nổi có hoạt động M&A tăng mạnh ảnh 1(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Thời báo Kinh tế Singapore ngày 29/6 dẫn báo cáo mới nhất của Công ty luật Baker McKenzie cho biết hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên toàn cầu dự kiến sẽ bùng nổ sau thời gian trầm lắng.

Đặc biệt, Việt Nam cùng với Mexico và Ai Cập được Baker McKenzie xếp vào nhóm những thị trường mới nổi có M&A tăng cao.

Theo phân tích của các chuyên gia từ Baker McKenzie, hoạt động M&A trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt 2.700 tỷ USD trong năm 2015, trước khi tăng tốc lên 3.000 tỷ USD vào năm 2016 và 3.400 tỷ USD năm 2018.

Trong số đó, hoạt động M&A tại các thị trường mới nổi có mức tăng đáng kể, từ 435 tỷ USD trong năm 2014 lên khoảng 678 tỷ USD vào năm 2018, tăng 56%.

Các thị trường dự báo có mức giao dịch M&A tăng trưởng cao trong 5 năm tới bao gồm Hà Lan, Anh, Thụy Điển, Trung Quốc, Hong Kong và Ấn Độ. Cũng theo Baker McKenzie, hiện Hong Kong, Singapore và Thụy Sỹ là ba thị trường có chỉ số giao dịch M&A hấp dẫn nhất trên thế giới.

Các chuyên gia nhận định giao dịch xuyên biên giới sẽ giữ một vai trò quan trọng khi mà ngày càng nhiều các công ty tìm kiếm cơ hội ở những thị trường có mức tăng trưởng cao.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư tài chính cũng có tiềm năng làm gia tăng các giao dịch toàn cầu, trong đó các công ty cổ phần tư nhân đang duy trì mức vốn đầu tư chưa giải ngân là 1,1 tỷ USD.

Các lĩnh vực có hoạt động M&A nhiều nhất trong vòng 5 năm tới được dự báo sẽ là y tế, viễn thông và tài chính do nhu cầu tái cấu trúc.

Song song với đó lĩnh vực hàng tiêu dùng, dịch vụ, công nghệ và dược phẩm cũng tăng, chủ yếu bởi các xu hướng mang tính chu kỳ.

Báo cáo cũng dự đoán rằng mức đỉnh giao dịch M&A trong năm 2017 và năm 2018 sẽ không được cao như những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ yếu do nền kinh tế thế giới không trải qua những điều kiện giống như bong bóng kinh tế trước năm 2007./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.