Việt Nam-EU: Đẩy mạnh hợp tác thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA

Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU trong những tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng khả quan, mà tác nhân đáng kể là nhờ vào việc thực thi Hiệp định EVFTA từ ngày 1/8/2020.
Việt Nam-EU: Đẩy mạnh hợp tác thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 11/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã có buổi làm việc trao đổi về tình hình hợp tác song phương và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Tại buổi làm việc, hai Bên khẳng định coi trọng mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hợp tác trong thời gian tới cũng như kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa hai bên.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng những thành công cho sự nỗ lực và hành động tích cực của EU trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã giúp bước đầu kiểm soát dịch bệnh trong khu vực và đẩy lùi nguy cơ đe dọa nền kinh tế.

[Bộ Công Thương ra mắt chuyên san EVFTA với thương mại Việt Nam]

Theo bộ trưởng, với nhiều chỉ số kinh tế đang phục hồi khả quan, cùng việc triển khai các gói ngân sách hỗ trợ và chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nền kinh tế EU được nhận định sẽ nhanh chóng khôi phục và tăng trưởng trở lại.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thực tế, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU trong những tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng khả quan, mà tác nhân đáng kể là nhờ vào việc thực thi Hiệp định EVFTA từ ngày 1/8/2020.

Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-EU đạt 18,26 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã có những trao đổi cởi mở và tích cực về các vấn đề cùng phương hướng tăng cường hợp tác song phương cũng như thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian tới nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương mong muốn phía EU, mà đại diện là Phái đoàn EU tại Hà Nội sẽ tiếp tục ủng hộ, dành những ưu tiên hỗ trợ quý báu để thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam như Chương trình Chuyển đổi Năng lượng bền vững Việt Nam-EU (SETP), Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG).

Ngoài ra, với thế mạnh của EU trong các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tự động hóa máy móc, cơ khí…, Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ phía EU để hỗ trợ xây dựng một ngành công nghiệp vững mạnh, hiện đại, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi công nghệ mới.

Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, Hiệp định EVFTA là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU và đó là thành công rất lớn hai bên đã đạt được trong thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại. Trong vòng 10 tháng đi vào thực thi, hiệp định này đã có những kết quả hết sức tích cực.

“Quá trình thực thi cũng có những thách thức và đây là điều hết sức bình thường. Các cơ quan liên quan của EU, trong đó có Nghị viện châu Âu, theo dõi rất sát sao việc thực hiện quá trình này cũng như quá trình thực thi. Do vậy thông qua việc thảo luận, chúng ta sẽ vượt qua những thách thức này...,” Đại sứ Giorgio Aliberti nói.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1, với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.