Hướng đến xây dựng hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia ở Việt Nam

Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác xây hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia

Hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia sẽ tạo sự đột phá mới trong việc nâng tầm kỹ năng người lao động, chuẩn hóa chất lượng lao động thời kỳ mới, thúc đẩy phát triển đất nước.
Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác xây hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia ảnh 1Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và ông Mu Jang Byun, Phó chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) trao bản ký kết thoả thuận hợp tác. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng 6/11, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hồng Minh và Phó Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực HRD Hàn Quốc Mu Jang Byun đã ký thỏa thuận hợp tác về xây dựng hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia tại Việt Nam (QS-Net).

Cuối năm 2000, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và hình thành hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia trên cơ sở quy định tại Luật Dạy nghề năm 2005, Luật Việc làm năm 2013, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế để tiếp tục phát triển hệ thống này.

Đến nay, Bộ đã cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 41 tổ chức đánh giá phân bổ ở các vùng kinh tế trọng điểm; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho gần 55.000 lượt người lao động.

Hệ thống đang được tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng phạm vi đáp ứng nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hệ thống đánh giá chưa được áp dụng, gây tốn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh đánh giá, cấp chứng chỉ cho người lao động đang ngày càng tăng.

[Tương lai của việc làm: Bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp 4.0]

Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác xây hệ thống quản lý kỹ năng nghề quốc gia ảnh 2Robot hóa và tự động hóa sẽ thay đổi thị trường việc làm. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, những công nghệ mới trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở Việt Nam.

Kết quả của chương trình hợp tác này sẽ tạo cú huých phát triển để hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cũng như giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam có sự đột phá mới trong việc phát triển nâng tầm kỹ năng người lao động thời kỳ mới; tạo cơ sở vững chắc trong việc chuẩn hóa chất lượng lao động, thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian tới.

Đây cũng là cơ sở tin cậy để Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực HRD Hàn Quốc tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, nhằm sớm thiết lập hệ thống quản lý thông tin hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở Việt Nam.

Hệ thống hình thành sẽ giúp tăng cường việc quản lý, thống kê thực trạng nguồn nhân lực, đánh giá, dự báo kỹ năng trên cơ sở đó để hoạch định, xây dựng chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và những lĩnh vực liên quan khác.

Sau thỏa thuận này, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, thực hiện các bước tiếp theo để dự án được triển khai và đi vào thực tiễn.

Chứng kiến lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân thể hiện sự tin tưởng sự hợp tác với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực HRD Hàn Quốc - đơn vị có 20 năm kinh nghiệm trong việc triển khai công tác đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia - sẽ giúp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, hiện, Chính phủ Việt Nam đang trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có những điều khoản quy định về việc sử dụng lao động qua đào tạo; vấn đề quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp; trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, doanh nghiệp, người lao động trong việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.

Sắp tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành các quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề sử dụng lao động qua đào tạo, trong đó, có việc đánh giá cấp chính chỉ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bộ đang khẩn trương cho ra mắt trang thông tin điện tử: http://vanbang.gov.vn.

Đây là trang địa chỉ văn bằng số cho phép người dùng truy cập, kiểm tra thông tin liên quan đến văn bằng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp đến cao đẳng, hướng đến thị trường lao động phát triển lành mạnh, có nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh hiện tượng làm giả giấy tờ, văn bằng.

Việc triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực HRD Hàn Quốc sẽ kết nối với trang thông tin điện tử trên, tiến tới có một cổng thông tin để người lao động, doanh nghiệp có thể tiếp cận, có sự kết nói cung-cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục