Việt Nam-Hàn Quốc: Ít cạnh tranh trực tiếp trong cơ cấu xuất khẩu

Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang tận dụng tốt các cam kết từ VKFTA, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa hai nước về thương mại và đầu tư.
Việt Nam-Hàn Quốc: Ít cạnh tranh trực tiếp trong cơ cấu xuất khẩu ảnh 1Nhà máy sản xuất PP và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG (doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đến nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đã tăng 162 lần (từ mức 480 triệu USD năm 1992 lên 78 tỷ USD năm 2021).

Dự kiến kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc sẽ đạt 90 tỷ USD trong năm 2022 và vượt 100 tỷ USD trong năm 2023. Đặc biệt, hai nước luôn duy trì vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Chính vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc từ ngày 4-6/12 chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới.

Bạn hàng thân thiện

Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu xuất khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) Hàn Quốc sản xuất gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ.

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là nguồn cung cấp lớn thứ hai cho Việt Nam với các linh kiện, phụ kiện, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, nhất là các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam.

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Hàn Quốc là thị trường rất giàu sức mua với thu nhập bình quân đầu người trên 30 nghìn USD/năm, kim ngạch nhập khẩu khoảng 700 tỷ USD/năm. Do đó, dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc còn rất lớn.

Hơn nữa, đây là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam. 

Hai nước đã cùng tham gia các FTA như Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

[Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc]

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 đã mang lại những cơ hội đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như thủy hải sản, nông lâm sản, thực phẩm chế biến, phân bón, hàng dệt may, xơ sợi dệt, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, gốm sứ và dây cáp điện các loại... đều được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế nhập khẩu theo hiệp định này.

Cũng theo Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo cả hai hiệp định là AKFTA và VKFTA để xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc những năm gần đây đều đạt trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban thực thi Hiệp định cấp Bộ trưởng (UBTT) và đã hợp tác hết sức chặt chẽ, tích cực trong suốt thời gian qua.

Nhờ đó, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang tận dụng tốt các cam kết từ VKFTA, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa hai nước về thương mại và đầu tư.

Cụ thể, sau hơn 6 năm thực thi VKFTA, thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc liên tục tăng trưởng mạnh. Quy mô thương mại song phương năm 2021 đạt 78,2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2015 (đạt 36,5 tỷ USD); trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2021 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với mức 8,9 tỷ USD vào năm 2015.

Riêng 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu duy trì tốc độ này, nhiều khả năng hai nước có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Các mặt hàng Hàn Quốc và Việt Nam cam kết cắt giảm thuế đều có mức tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Đối với Việt Nam là thủy sản, dệt may, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, xơ, sợi dệt các loại, rau quả. Đối với Hàn Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; dây điện và cáp điện…

Bên cạnh những thuận lợi đạt được, các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng, Hàn Quốc có xu hướng ngày càng siết chặt thực hiện các tiêu chuẩn nhập khẩu, tiêu chuẩn môi trường... với hàng nhập khẩu, nhất là nông sản, thủy sản, thực phẩm.

Bên cạnh đó, hàng Việt Nam cũng có nguy cơ đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, Hàn Quốc đã chính thức điều tra 3 vụ việc chống bán phá giá với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm hợp kim Ferro-Silico-Manganese (năm 2016), gỗ dán (năm 2019) và ống đồng (năm 2021).

Nâng tầm hợp tác

Nhằm tăng cường hợp tác, mới đây tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) đã ký kết hợp tác với Lotte Mart phân phối nông sản cao cấp của Hàn Quốc tới người tiêu dùng Việt Nam để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm nổi tiếng của tỉnh đến thị trường Việt Nam.

Việt Nam-Hàn Quốc: Ít cạnh tranh trực tiếp trong cơ cấu xuất khẩu ảnh 2Khách hàng mua sắm tại siêu thị Lotte Mart Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)


Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ nâng tầm hợp tác song phương, qua đó giới thiệu rộng rãi hơn nữa nhiều sản phẩm trái cây chất lượng cao, an toàn và đặc trưng của tỉnh Gyeongsangbuk-do đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Ông Kim Chang Yong - Giám đốc Điều hành khu vực châu Á tại Lotte Mart cho biết, với việc ký kết hợp tác cùng tỉnh Gyeongsangbuk-do, Lotte Mart cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để người tiêu dùng Việt Nam biết đến các mặt hàng nông sản chất lượng cao với mức giá hợp lý.

Bà Trần Thị Hải Yến-Trưởng văn phòng KOTRA Hanoi (Cơ quan Xúc tiến thưogn mại và đầu tư Hàn Quốc) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã thực hiện 58 sự kiện kết nối giao thương trực tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc.

Các sự kiện giao thương trực tuyến đã kết nối cho 850 doanh nghiệp Hàn Quốc với gần 900 nhà nhập khẩu Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong năm 2022 KOTRA Hanoi sẽ thực hiện 75-80 sự kiện giao thương tạo cơ hội hợp tác cho 1.300 doanh nghiệp Hàn Quốc và hơn 1.200 doanh nghiệp Việt Nam góp phần đưa kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia có thể cán đích 100 tỷ USD.

Đại diện phía doanh nghiệp Việt Nam, bà Vũ Trần Thúy Hồng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HOVU Việt Nam đánh giá cao cơ hội mà các cuộc giao thương trực tuyến mang lại.

Đáng lưu ý, các cuộc giao thương trực tuyến giúp cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam không những được sắp xếp làm việc với doanh nghiệp uy tín Hàn Quốc mà còn được hỗ trợ phiên dịch Việt - Hàn miễn phí, góp phần mở rộng được tệp đối tác Hàn Quốc để đạt được hiệu quả trong đa dạng bán hàng.

Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại với Hàn Quốc, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về ưu đãi và tiêu chuẩn cho hàng hóa xuất khẩu trong Hiệp định VKFTA.

Mặt khác, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về VKFTA để từ đó có những tương tác hiệu quả với cơ quan chức năng nhằm tiếp cận thành công thị trường Hàn Quốc cũng như đóng góp ý kiến để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố cốt lõi để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Hàn Quốc.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp, chủ động vận hành theo cơ chế thị trường, linh hoạt để thay đổi bắt kịp xu thế đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin, phát triển hình thức thương mại điện tử trên nền tảng trực tuyến.

Hơn nữa, doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam để nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại; ứng phó với các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cũng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp nên liên kết với nhau và có giải pháp tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng phân phối của doanh nghiệp Hàn Quốc để tận dụng những thế mạnh về thị trường, thương hiệu, cách thức tổ chức, quản lý, kinh nghiệm phát triển trong cạnh tranh.

Điều này góp phần tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để từng bước chiếm lĩnh thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.