Việt Nam hoan nghênh đầu tư của Gazprom và các công ty dầu khí Nga

“Chính sách đối ngoại mới của Nga là quay sang phương Đông, trong đó có chính sách về năng lượng và đây là cơ hội lớn để khai thác thế mạnh tiềm năng của Việt Nam và Nga trong lĩnh vực dầu khí.”

“Chính sách đối ngoại mới của Nga là quay sang phương Đông, trong đó có chính sách về năng lượng và đây là cơ hội lớn để khai thác thế mạnh tiềm năng của Việt Nam và Nga  trong lĩnh vực dầu khí.”

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga Yury P. Sentyurin trong buổi làm việc ngày 10/6 với Ban Kinh tế Trung ương.

Tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sự có mặt của Đoàn công tác Bộ Năng lượng Nga vào thời điểm này là rất có ý nghĩa, nằm trong chương trình triển khai Hiệp định hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, đưa hợp tác kinh tế nói chung và về năng lượng và dầu khí giữa Việt Nam và Liên bang Nga lên một tầm cao mới, đúng với tinh thần mà Tổng thống Nga V. Putin phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam là “hợp tác về năng lượng và dầu khí là then chốt, đây cũng chính là thế mạnh của hai nước chúng ta.”

Đề cập đến khả năng hợp tác năng lượng giữa Nga và Việt Nam, ông Huệ cho biết, Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng với mục tiêu không chỉ phục vụ cho ngành năng lượng trong nước mà còn với thềm lục địa giàu tiềm năng và lợi thế có nhiều cảng nước sâu.

Việt Nam phấn đấu trở thành một trung tâm lọc hóa dầu trong khu vực. Bên cạnh việc triển khai các nhà máy cở sở lọc hóa dầu Long Sơn, Nghi Sơn, Việt Nam đang xem xét phát triển các dự án khác, gần nhất là tiến hành nâng cấp dự án nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất với công suất 8-9 triệu tấn/năm, gấp 2 lần so với hiện nay.

“Do đó Việt Nam rất hoan nghênh Gazprom và các công ty dầu khí lớn của Liên bang Nga tiếp tục quan tâm đầu tư vào Việt Nam,” ông Huệ nói.

Về phía Nga, ông Sentyurin cho biết, Đoàn công tác của Bộ Năng lượng Liên bang Nga sang Việt Nam lần này với số lượng thành viên đông đảo và có chương trình làm việc sâu rộng với Bộ Công thương Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam xung quanh dự án nâng cấp Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và xem xét một số dự án năng lượng quan trọng khác.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga cũng dành thời gian giới thiệu về thế mạnh của ngành năng lượng và dầu khí của Liên bang Nga, cụ thể như Tập đoàn Dầu khí Gazprom. Không chỉ là một tập đoàn lớn trên thế giới, có kinh nghiệm phong phú, có tiềm lực tài chính lớn, có mạng lưới ở châu Âu, Trung Đông và nhiều nước trên thế giới, không chỉ khai thác mà bao gồm cả các ngành lọc hóa dầu (nhựa đường, phân bón, khí hóa lỏng, hoá chất…) và các mạng lưới phân phối xăng dầu ở châu Âu và thế giới.

“Với thế mạnh đó, Liên bang Nga sẵn sàng chia sẻ để phát triển ngành dầu khí của Việt Nam. Chính phủ Nga nói chung và Bộ Năng lượng Nga sẽ dành sự ưu tiên ủng hộ lớn cho các dự án và hợp tác năng lượng với Việt Nam.” ông Sentyurin khẳng định.

Tham gia buổi làm việc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtu cũng bày tỏ sự ủng hộ nhất trí cao về chủ trương cần thiết mở rộng và nâng tầm hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí giữa Nga và Việt Nam.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến của đoàn công tác Bộ Năng lượng Nga đồng thời nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác của hai bên về năng lượng và dầu khí là rất lớn.Việt Nam quan tâm phát triển các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, cả hệ thống lọc hóa dầu, chế biến và phân phối. Do đó, Việt Nam hoan nghênh các tập đoàn dầu khí quốc tế, trong đó có các tập đoàn của Liên bang Nga hợp tác khai thác trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như Công ước về luật biển năm 1982.

“Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Ban kinh tế Trung ương với chức năng của mình là cơ quan thẩm định cuối cùng các dự án quan trọng, trong đó có các dự án năng lượng và dầu khí, sẽ góp sức quan trọng vào việc biến các chương trình hợp tác kinh tế nói chung và các dự án hợp tác năng lượng dầu khí nói riêng giữa hai quốc gia thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển của hai dân tộc,” ông Huệ khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục