Việt Nam-Indonesia ngăn chặn các vấn đề phát sinh trên biển

Việt Nam-Indonesia ký hợp tác ngăn chặn các vấn đề phát sinh trên biển

Việt Nam và Indonesia đã ký bản ghi nhớ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước, đồng thời nhất trí về việc kiểm soát và có biện pháp ngăn chặn, xử lý hậu quả những vấn đề phát sinh trên biển.
Việt Nam-Indonesia ký hợp tác ngăn chặn các vấn đề phát sinh trên biển ảnh 1 Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia, trả lời phỏng vấn tại Hội nghị. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh Thủy sản Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 28/7 là một cuộc đối thoại cấp cao đa ngành giữa các bên liên quan của ngành công nghiệp thủy sản, các chính phủ, các tổ chức tài chính, khoa học và phi chính phủ.

Hội nghị là cơ hội để các bên bày tỏ quan điểm và những giải pháp cần thiết để chuyển đổi, phát triển một nghề cá bền vững, cả về quy định và đầu tư. Kết quả làm việc của hội nghị này sẽ được báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh đại dương thế giới, dự kiến sẽ diễn ra tại Bali vào tháng 2/2017.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí việc cải cách nghề cá có thể thúc đẩy những thành tựu của ngành thủy sản khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, và đưa ngành này phát triển một cách bền vững.

Bên cạnh những nỗ lực để đương đầu với nạn đánh bắt trái phép, các chính phủ cũng cần quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng khai thác hải sản quá mức hoặc sử dụng những phương pháp khai thác hủy diệt nhằm ngăn ngừa sự phá hủy hệ sinh thái biển.

Trong dịp này, một cuộc họp cấp bộ trưởng các nước trong khu vực cũng đã bàn về vấn đề truy nguồn gốc sản phẩm thủy sản, trong đó có việc cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU).

Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia, bà Susi Pudjiastuti cho biết Indonesia đang chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật phục vụ việc chế biến, xuất khẩu thủy hải sản. Tuy nhiên, đối với vấn đề khai thác, đánh bắt cá trên biển Indonesia chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa mà không kêu gọi đầu tư từ bên ngoài.

Về hợp tác với Việt Nam, bà Susi Pudjiastuti cho biết Indonesia đã ký một Bản ghi nhớ (MoU) để tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước, đồng thời nhất trí về việc kiểm soát và có biện pháp ngăn chặn, xử lý hậu quả những vấn đề phát sinh trên biển.

Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cũng nói việc đánh cá bất hợp pháp đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Susi, hoạt động đánh bắt bất hợp pháp cũng có thể liên quan đến nhiều tội phạm tài chính khác, bao gồm cả buôn bán người, ma túy, thậm chí động vật quý hiếm. Do đó, điều quan trọng là các nước cần chia sẻ dữ liệu với nhau và mỗi nước có thể đầu tư công nghệ để giám sát các tàu đánh cá trong vùng lãnh hải của mình.

Tham gia các hoạt động và sự kiện, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám cho biết Việt Nam thể hiện sự ủng hộ của mình đối với sáng kiến của Indonesia, các nước trong khu vực cũng như Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và các tổ chức quốc tế khác. Hiện nay vấn đề này vừa mang tính cấp bách, vừa là vấn đề chiến lược để phát triển ngành thủy sản bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.

Khi làm việc với phía Indonesia, đoàn Việt Nam cũng đã khẳng định với bà Bộ trưởng Susi Pudjiastuti rằng Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khẳng định không khuyến khích, dung túng và xử lý rất nghiêm những trường hợp vi phạm vùng biển của các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.