Việt Nam-Indonesia quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD

Việt Nam và Indonesia khẳng định sớm xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2028, quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2028.

viet nam-indonesia_hop tac kinh doanh.jpg
Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Indonesia, đồng thời tạo cơ hội hợp tác kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)-Chi nhánh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Indonesia-Việt Nam, với chủ đề “Mở rộng hợp tác kinh doanh: Cơ hội cho doanh nghiệp SME trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, thủy sản” vào ngày 26/9.

Tại diễn đàn, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Indonesia mong muốn tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, thủy sản…

Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Indonesia sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức chuỗi sự kiện kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia.

Theo ông Agustaviano Sofjan, trong những năm qua, nhất là sau 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược và Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia trong ASEAN, đã tạo nền tảng quan trọng để hai quốc gia tăng cường hơn nữa quan hệ trên lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Cụ thể, về quan hệ thương mại, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Indonesia.

Còn tính đến tháng 6/2024, Indonesia xếp thứ 30 trên tổng số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 115 dự án, tổng vốn đăng ký trên 662 triệu USD.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Indonesia khẳng định sớm xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2028 phù hợp với tình hình mới, quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2028.

Để đạt được mục tiêu này, hai quốc gia sẽ thúc đẩy đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương; tháo gỡ khó khăn và rào cản trong giao thương, tiếp cận thị trường hàng hóa của hai bên.

Về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-Chi nhánh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng củng cố vị thế trên thị trường Indonesia, với giá trị xuất khẩu tăng trưởng liên tục qua các giai đoạn.

cay lua.jpg
Indonesia mong muốn tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và thủy sản. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Trong số đó, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia.

Việt Nam cũng đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư thành công tại Indonesia như Tập đoàn VinGroup, Điện máy Xanh… và Chính phủ hai quốc gia đang tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác kinh doanh ở những lĩnh vực mới, gồm: Kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái xe điện và pin xe điện…

Đồng thời, nhiều đơn vị xúc tiến của hai quốc gia cũng mở rộng chương trình hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JTEP); tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal; lĩnh vực an ninh lương thực…

Trong khuôn khổ diễn đàn lần này, cộng đồng doanh nghiệp còn được cập nhật thông tin về thị trường Indonesia nói chung và triển lãm quốc tế Trade Expo Indonesia nói riêng.

Trade Expo Indonesia là triển lãm thương mại quốc tế lớn nhất Indonesia được tổ chức thường niên với nhiều lĩnh vực và sản phẩm hàng hóa; đồng thời tập trung vào hoạt động kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Indonesia với đối tác nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.