Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 11/6 đã tiến hành họp trực tuyến để thảo luận về tình hình Mali và việc gia hạn hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp.
Tại cuộc họp, đại diện phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh việc giải quyết triệt để các vấn đề tại Mali có ý nghĩa then chốt trong tiến trình xử lý những thách thức tại khu vực Sahel. Việt Nam cũng kêu gọi các bên liên quan nỗ lực bảo vệ người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Tham gia thảo luận có bộ trưởng và thứ trưởng Ngoại giao một số nước thành viên Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, các Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Phi về Mali Pierre Buyoya.
Tổng Thư ký Guterres hoan nghênh những tiến triển đạt được giữa các bên tại Mali trong thực hiện Hiệp định hòa bình năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khoản quan trọng của Hiệp định bị trì hoãn do bất đồng giữa các bên, đặc biệt là việc triển khai quân đội tại một số khu vực ở phía Bắc Mali.
Các hoạt động đối thoại, hòa giải dân tộc vẫn được triển khai. Liên hợp quốc hoan nghênh Mali tổ chức thành công 2 vòng bầu cử lập pháp và đánh giá cao số lượng đại biểu nữ trong đợt bầu cử này là 41 đại biểu, tăng 3 lần so với kỳ bầu cử lần trước.
Mặc dù vậy, Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại trước tình hình an ninh tại khu vực miền Bắc và miền Trung Mali. Từ tháng 4/2020, xảy ra 190 vụ tấn công làm 169 người bị chết và 79 người bị thương.
Đặc biệt, MINUSMA tiếp tục là mục tiêu bị tấn công khủng bố 22 lần khiến 43 lính gìn giữ hòa bình bị thương. Burkina Faso, Mali và Niger hiện tăng cường các hoạt động chống khủng bố tại khu vực biên giới giữa ba nước cùng với sự phối hợp của quân đội Pháp.
Tình hình các vụ cáo buộc vi phạm đối với người dân tiếp tục thêm tồi tệ, đặc biệt tại miền Trung Mali với có 535 vụ, tăng 88 vụ so với quý I/2020, trong đó có 275 vụ do các nhóm vũ trang gây ra và 163 vụ do lực lượng an ninh Mali gây ra.
Trong khi đó, tình hình nhân đạo vẫn không được cải thiện. Số người mất nhà cửa ở Mali tăng lên gần 240.000 người so với con số 218.000 người trong tháng 3/2020. Có tới 757.000 người thiếu lương thực, thực phẩm. Tác động của dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo và đặt ra nhiều thách thức cho Mali và khu vực Sahel.
MINUSMA tiếp tục hỗ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các bên tại Mali thực hiện Hiệp định hòa bình 2015, thành lập và mở rộng hoạt động của các cơ quan tư pháp và hành pháp tại miền Bắc và miền Trung Mali.
Liên hợp quốc kêu gọi các nước ủng hộ Nghị quyết gia hạn hoạt động của MINUSMA thêm 12 tháng để phái bộ có thể triển khai được các nhiệm vụ mở rộng, trong đó có việc hỗ trợ hậu cần cho Lực lượng chung G5-Sahel trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực.
Đa số các nước Hội đồng Bảo an chia sẻ với những đánh giá của Liên hợp quốc; nhấn mạnh các bên liên quan tại Mali tiếp tục thực hiện đầy đủ các điều khoản Hiệp định hòa bình 2015; ủng hộ bổ sung nguồn lực cho MINUSMA thực hiện Kế hoạch điều chỉnh công tác tại miền Trung Mali và hỗ trợ hậu cần cho Lực lượng chung G5-Sahel.
Các nước này cũng kêu gọi triển khai cách tiếp cận toàn diện gồm phát triển bền vững, nâng cao vai trò của phụ nữ và thanh niên, giải quyết các nhu cầu thiết yếu bên cạnh việc tập trung chống khủng bố; bảo vệ an toàn cho người dân.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại trước những các cuộc tấn công khủng bố làm nhiều người thiệt mạng miền Trung và miền Bắc Mali, các vụ vi phạm đối với người dân và tình hình nhân đạo ở nước này.
Đại sứ cũng ủng hộ việc gia hạn hoạt động của Phái bộ MINUSMA thêm 12 tháng, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc cùng các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ Mali chống dịch COVID-19 và thực hiện suôn sẻ các hoạt động nhân đạo./.