Việt Nam kêu gọi LHQ thúc đẩy sự tuân thủ các nghị quyết về Trung Đông

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền bất khả xâm phạm của mình, ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Việt Nam kêu gọi LHQ thúc đẩy sự tuân thủ các nghị quyết về Trung Đông ảnh 1Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/1 đã tổ chức phiên thảo luận mở hàng quý với chủ đề “Tình hình Trung Đông, trong đó có vấn đề Palestine” dưới sự chủ trì của Cộng hòa Dominica - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2019.

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc - tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận.

Báo cáo trước Hội đồng Bảo an, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov, đã cảnh báo về tác động tiêu cực của những diễn biến gần đây, như việc Israel phê duyệt xây dựng hơn 3.100 nhà ở tại các khu định cư thuộc Bờ Tây, thúc đẩy thông qua luật hợp thức hóa hơn 60 cơ sở trái phép ở Bờ Tây và tiếp tục phá hủy, chiếm giữ các cấu trúc thuộc sở hữu của người Palestine.

Ông Mladenov cho rằng Liên hợp quốc và Ai Cập đã có những nỗ lực lớn, song tiến trình hòa giải nội bộ Palestine không đạt được tiến triển do các bên liên tục đổ lỗi cho nhau. Ông kêu gọi Hamas dừng ngay các hành động kích động bạo lực, bắn rocket vào lãnh thổ Israel, đồng thời hối thúc các lực lượng an ninh Israel chấm dứt tấn công vào dân thường Palestine.

Quan ngại sâu sắc về tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza và sự thiếu hụt lớn nguồn tài chính cho hoạt động cứu trợ nhân đạo, ông Mladenov kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế tăng cường tài trợ cho hoạt động của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Hầu hết các nước phát biểu bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng phát bạo lực và viễn cảnh ngày càng xa vời của giải pháp “hai nhà nước;” kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh để căng thẳng leo thang, tập trung cải thiện điều kiện sống cho người dân Palestine tại Gaza; đồng thời sớm nối lại các cuộc thương lượng hòa bình.

Nhiều nước lên án việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư, thúc đẩy áp đặt luật của Israel ở khu vực Bờ Tây. Bên cạnh đó, một số nước tiếp tục chỉ trích các hành động của Hamas kích động bạo lực, tấn công vào Israel.

[Kế hoạch hòa bình Trung Đông - thỏa thuận thế kỷ của Trump?]

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhận định tuy Hội đồng Bảo an và các cơ quan Liên hợp quốc đã có nỗ lực trong năm 2018 nhưng tình hình thực địa có chiều hướng xấu hơn.

Cụ thể, tình trạng sử dụng vũ lực bừa bãi và quá mức vẫn còn phổ biến; dân thường tiếp tục là nạn nhân của xung đột với số thương vong cao nhất trong 5 năm trở lại đây; Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc (UNWRA) lại đang gặp khủng hoảng ngân sách.

Việt Nam kêu gọi LHQ thúc đẩy sự tuân thủ các nghị quyết về Trung Đông ảnh 2Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN)

Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong đó có Nghị quyết 2334, không được tôn trọng, thực thi, mà thậm chí còn bị vi phạm.

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền bất khả xâm phạm của mình, ủng hộ giải pháp hai nhà nước, theo đó Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại trong hòa bình với Nhà nước Israel theo đường biên giới được quốc tế công nhận trước năm 1967.

Đại sứ kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ mong muốn trong năm 2019, Hội đồng Bảo an sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả để có những hành động cụ thể, cùng các bên bảo đảm tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nhằm chấm dứt bạo lực, tổn thất cho thường dân, tạo môi trường thuận lợi cho việc đạt được một giải pháp toàn diện, công bằng và bền vững, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục