Ngày 8/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp trực tuyến về tình hình Libya và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Đức Heiko Mass.
Hiện Đức đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 7.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, ngoài các nước thành viên Hội đồng Bảo an, phiên họp có sự tham dự của đại diện Libya, các nước láng giềng, các nước và tổ chức khu vực tham gia Hội nghị Berlin về Libya hồi tháng 1.
Tại cuộc họp, Việt Nam đã kêu gọi thúc đẩy triển khai các cam kết của Hội nghị Berlin về Libya.
Báo cáo trước Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự leo thang với sự can dự bên ngoài ở cấp độ chưa từng có ở Libya từ trước đến nay; lên án các vụ tấn công nhằm vào thường dân và cơ sở dân sự, trong đó có 21 vụ vào các cơ sở y tế từ đầu năm 2020 đến nay.
[Việt Nam khẳng định lập trường ủng hộ thỏa thuận hạt nhân 2015]
Tổng Thư ký nhắc lại cam kết của các nước tại Hội nghị Berlin về Libya trong thúc đẩy giải pháp hòa bình cho xung đột ở Libya; kêu gọi các bên liên quan tại Libya ngay lập tức chấm dứt chiến sự, trở lại bàn đàm phán và bảo đảm tiếp cận nhân đạo đầy đủ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tổng Thư ký đã liên hệ trực tiếp với lãnh đạo của các bên ở Libya để thúc đẩy các nội dung này; nhấn mạnh các bên liên quan ở Libya và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm thực thi đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an liên quan đến Libya.
Phát biểu tại hội nghị, các nước và tổ chức khu vực đều chia sẻ quan ngại về tình hình chiến sự ở Libya trong bối cảnh dịch COVID-19; kêu gọi khôi phục đàm phán hòa bình với sự hỗ trợ của UNSMIL; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt can thiệp từ bên ngoài và tuân thủ đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an.
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đề xuất việc thiết lập một khu vực phi quân sự ở khu vực xung quanh thành phố Sirte trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn dài hạn chưa được thông qua.
Một số nước nhấn mạnh sự cần thiết của việc xử lý các hành vi vi phạm luật nhân quyền, nhân đạo quốc tế ở Libya.
Trong khi đó, đại diện Libya đã tái khẳng định chính quyền Libya hiện tại - Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA), là thể chế chính danh duy nhất ở Libya, mong muốn cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an có hành động cụ thể hơn nhằm thúc đẩy giải quyết xung đột tại Libya.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cam kết của Hội nghị Berlin về Libya, đã được Hội đồng Bảo an ủng hộ thông qua Nghị quyết 2510.
Đại sứ kêu gọi các bên liên quan ở Libya chấm dứt chiến sự ngay lập tức và quay trở lại đàm phán hòa bình trên 3 kênh chính trị-quân sự-kinh tế; ghi nhận nỗ lực của Liên hợp quốc, UNSMIL, các nước láng giềng Libya và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy hòa bình ở Libya; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an liên quan đến Libya.
Đại sứ cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với hoạt động của UNSMIL và chia sẻ sự cần thiết của việc bổ nhiệm Đại diện đặc biệt mới của Tổng Thư ký về Libya, thay thế ông Ghassan Salamé, đã từ chức đầu tháng 3.
Cuộc chiến tại Libya tiếp tục là một trong những cuộc xung đột vũ trang khốc liệt nhất trên thế giới hiện nay, trong bối cảnh các bên liên quan tại Libya tiếp tục giao chiến bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo UNSMIL, trong 6 tháng đầu năm 2020, số thường dân thương vong do xung đột là hơn 300 người, tăng 172% so với cùng thời điểm năm ngoái. Hơn 400.000 người bị mất nhà cửa kể từ tháng 4/2019.
Trong khi đó, tính đến ngày 8/7, Libya đã ghi nhận 1.182 ca mắc và 35 trường hợp tử vong do COVID-19.
Hội nghị Berlin về Libya được tổ chức ngày 19/1 với sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Hội nghị đã thông qua một văn kiện kêu gọi chấm dứt can thiệp từ bên ngoài vào cuộc xung đột ở Libya và thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Libya, do người Libya dẫn dắt và làm chủ trên cơ sở đối thoại theo 3 kênh chính trị-quân sự-kinh tế.
Trên cơ sở đó, ngày 11/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2510 ủng hộ văn kiện của Hội nghị Berlin về Libya./.