Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Pháp

Các doanh nghiệp của Marseille đang mong muốn trong năm 2023 sẽ cùng các đối tác Việt Nam kết nối thêm được nhiều dự án hợp tác thương mại đầu tư mới.
Đại diện thành phố Marseille phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Xuất nhập khẩu, đầu tư, triển vọng hợp tác trao đổi kinh tế thương mại với Việt Nam và những kinh nghiệm chia sẻ, đó là những chủ đề tạo nên sự hấp dẫn của Diễn đàn kinh tế Pháp-Việt Nam lần thứ nhất, được tổ chức ngày 10/10 tại thành phố cảng Marseille.

Lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Aix Marseille Provence (CCI Aix Marseille Provence) và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Marseille, diễn đàn đã thu hút sự tham dự của khoảng 100 đại diện doanh nghiệp Pháp và Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tới tham dự và giới thiệu về tình hình kinh tế-xã hội, cũng như môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác với Việt Nam.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp, từ Đại sứ quán, đến các bộ phận thương mại, đầu tư, đã liên tục có các cuộc gặp gỡ làm việc với các cơ quan đầu mối tại địa phương cũng như tiếp xúc với các doanh nghiệp hàng đầu tại vùng Aix Marseille Provence, để có thể thúc đẩy các dự án đầu tư theo những hướng mới và trao đổi thương mại, dịch vụ trong những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu lớn, như cơ sở hạ tầng, logistics, cảng biển, chế biến lương thực thực phẩm, năng lượng sạch, hàng không vũ trụ, y tế dược phẩm.

Hiện nay các doanh nghiệp của địa phương này cũng đang mong muốn trong năm 2023 sẽ cùng các đối tác Việt Nam kết nối thêm được nhiều dự án hợp tác thương mại đầu tư mới, và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp cũng đang làm hết sức để có thể tạo nên những nhịp cầu mới giữa Việt Nam và Aix Marseille Provence.

Bộ trưởng ủy nhiệm phụ trách ngoại thương bên cạnh Bộ Ngoại giao và châu Âu Pháp, Olivier Becht, tuy không thể đến tham dự được, nhưng đã gửi video clip nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ Pháp-Việt Nam cũng như triển vọng hợp tác nhiều mặt đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược.

Trên cơ sở những thế mạnh của hai nước cùng những điều kiện thuận lợi do Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) mang lại, Bộ trưởng kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi hợp tác thương mại và đầu tư trong thời gian tới, thúc đẩy sự năng động và cùng nhau hành động trên những lĩnh vực triển vọng như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, tiếp tục theo đuổi các dự án lớn mà các doanh nghiệp Pháp đã tham gia tại Việt Nam như dự án metro Hà Nội.

Bộ trưởng cam kết các tổ chức cơ quan hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư xuất nhập khẩu của Pháp sẽ giúp đỡ và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nhằm triển khai tốt nhất các hoạt động và dự án mới giữa Pháp và Việt Nam.

Sau phiên họp toàn thể với nội dung trình bày phong phú và đa dạng của các diễn giả, giúp người nghe hiểu rõ hơn bức tranh toàn cảnh, triển vọng và tiềm năng của thị trường Việt Nam, những cơ hội từ EVFTA mang lại cũng như những vấn đề liên quan đến hậu cần, thủ tục pháp lý.

Các doanh nghiệp và đại diện các cơ quan tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại đã gặp nhau tại các cuộc tọa đàm bàn tròn để chia sẻ và trao đổi một cách cụ thể hơn các bước tiến hành và những kinh nghiệm chia sẻ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án tại Việt Nam.

[Việt Nam - điểm đến lý tưởng cho nhiều hãng điện tử quốc tế]

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, ông Thierry Modica - đại diện CCI Aix Marseille Provence, cho biết: "Tiềm năng hợp tác về kinh tế giữa hai bên là rất lớn. Chúng tôi có một cộng đồng đông đảo người Việt Nam ở Marseilles và các vùng lân cận. Các doanh nghiệp của chúng tôi mong muốn đầu tư vào Việt Nam và đẩy mạnh giao lưu kinh tế với nước này. CCI của chúng tôi có 14.000 công ty là thành viên và nhiệm vụ của chúng tôi là kết nối các công ty của cả hai bên."

Ông khẳng định Diễn đàn kinh tế được tổ chức chính là để nhằm phát triển và thúc đẩy mối quan hệ đối tác và trao đổi thương mại giữa Pháp và Việt Nam và ngược lại.

Để giúp các doanh nghiệp Pháp có trải nghiệm cụ thể và thực tế hơn, CCI Aix Marseille Provence dự kiến giai đoạn hai của diễn đàn này sẽ được tổ chức vào tháng 12/2022 với các chuyến đi thực tế đến Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh) và tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt-Pháp 2022 để giao lưu với các đối tác Việt Nam. Theo ban tổ chức cho đến nay, đã có nhiều công ty đăng ký tham gia vào sự kiện này.

Góc nhìn doanh nghiệp

Tham dự diễn đàn với mong muốn gặp gỡ các đối tác có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và làm cầu nối giữa doanh nghiệp Pháp và Việt Nam, ông Thierry Mermet, CEO công ty Source of Asia, cho biết đã có mặt tại nước này từ 25 năm nay, chứng kiến toàn bộ quá trình mở cửa và sự phát triển mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông chia sẻ: "Chưa bao giờ Việt Nam lại thuận lợi và sẵn sàng chào đón đầu tư nước ngoài như hiện nay, bởi vì từ 15-20 năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng tăng trưởng và mở cửa. Nhưng một lý do quan trọng khác, đó là việc đóng cửa của Trung Quốc và những khó khăn trong việc giao thương giữa các nước phương Tây với Nga đã khiến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành khu vực kinh tế lớn duy nhất trên thế giới hiện nay có tốc độ phát triển mạnh mẽ, có sự năng động, có dân số trẻ, có sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, và Việt Nam là một trung tâm của khu vực này."

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng giới thiệu về tình hình kinh tế-xã hội, cũng như môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác với Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Với ông Julien Brun, công ty tư vấn CEL, có 3 lý do để đầu tư vào Việt Nam. Đó là nguồn nhân lực chăm chỉ, năng động và sáng tạo; nền kinh tế cởi mở vào bậc nhất ở châu Á và thị trường phát triển thương mại đầy tiềm năng. Tuy nhiên, ông cho rằng: "Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng bến cảng, sân bay để đáp ứng hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào nước này trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ưu tiên lao động trí thức hơn là lao động chân tay, để đáp ứng nhu cầu số hóa các quy trình vận hành nhà máy bằng hệ thống tự động hoặc robot trong tương lai."

Với FPT Vietnam, mục tiêu chính lại là thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Pháp. Có mặt tại nước này từ hơn 15 năm nay, tập đoàn phần mềm FPT Vietnam có hai văn phòng tại Paris và Toulouse và hiện đang làm việc với nhiều đối tác lớn tại Pháp.

Ông Trần Đăng Hòa, Phó tổng giám đốc FPT Sofware Vietnam cho biết lý do tham dự diễn đàn là để "tìm kiếm thêm khách hàng mới, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số và nghiên cứu khả năng mở văn phòng tại Marseille."

"Thế giới đang chuyển sang giai đoạn 4.0 với rất nhiều nhu cầu nhân lực về IT, FPT mong đồng hành cùng các khách hàng và đây là lý do chúng tôi tham dự Diễn đàn," ông Hòa chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục