Việt Nam là thị trường quan trọng để Maroc tiến vào châu Á

Bộ trưởng đặc trách về Thương mại, Bộ Công Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số Maroc cho rằng Việt Nam sẽ là cánh cửa thuận lợi để Maroc tiến sâu hơn vào thị trường châu Á và các nước.
Việt Nam là thị trường quan trọng để Maroc tiến vào châu Á ảnh 1May mặc là một trong nhiều mặt hàng Maroc nhập từ Việt Nam. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương và Đại sứ quán Maroc tại Hà Nội đã phối hợp tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Maroc.

Đến với diễn đàn lần này, đoàn Maroc gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất thuốc.

Theo báo cáo tại diễn đàn, trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng khoảng 54%/năm. Riêng năm 2014, Maroc nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng thiết bị công nghiệp, hàng tiêu dùng thành phẩm, máy in, may mặc... với giá trị 147 triệu USD.

Tuy nhiên, con số xuất khẩu lại chưa đạt được như mong muốn và vẫn còn nằm dưới tiềm năng của hai nước; các doanh nghiệp Maroc vẫn chưa khai thác hết được như lĩnh vực mỏ, hóa chất, hóa học, dược phẩm...

Ông Mohamed Abbou, Bộ trưởng đặc trách về Thương mại, Bộ Công Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số Maroc cho hay Việt Nam sẽ là cánh cửa thuận lợi để Maroc tiến sâu hơn vào thị trường châu Á và các nước.

Bên cạnh đó, Maroc cũng đang cải cách mạnh mẽ, tự do hóa nền kinh tế giúp Maroc trở thành một trong những nước tiến bộ nhất châu Phi như đầu tư phát triển mạnh, thương mại tự do và môi trường kinh doanh cởi mở.

Maroc sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước để xây dựng các quan hệ thương mại, đầu tư hợp tác, phát huy tiềm năng của hai nước.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Maroc có điều kiện phát triển thuận lợi và là một trong các đối tác quan trọng của Việt Nam.

Diễn đàn lần này là cơ hội để Việt Nam và Maroc mở rộng tìm kiếm thông tin và tăng cường hợp tác doanh nghiệp hai nước. Việt Nam mong muốn có được quan hệ bền vững và phát triển với Maroc, mở rộng thị trường và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương Việt Nam sẽ luôn sát cánh, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp hai nước để hỗ trợ và phát triển cùng có lợi, khai thác tiềm năng hai nước.

Cũng tại diễn đàn, Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Maroc đã cùng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Đây cũng là bằng chứng cho thấy sự thiện chí củng cố quan hệ và tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.