Việt Nam lần đầu dự thi công nghệ nước tại Kỳ thi tay nghề Thế giới

Tháng 9 tới đây, Kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 45 sẽ diễn ra tại Kazan, Nga, ban tổ chức lần đầu tiên đưa nghề "Công nghệ nước" vào kỳ thi. Việt Nam cũng sẽ cử thí sinh đi thi đấu tại nghề mới này.
Việt Nam lần đầu dự thi công nghệ nước tại Kỳ thi tay nghề Thế giới ảnh 1Thi tuyển chọn thí sinh đại diện cho Việt Nam dự Kỳ thi tay nghề Thế giới nghề "Công nghệ nước." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đại diện Việt Nam dự thi nghề mới sẽ là Nguyễn Thái Phương, thí sinh đứng thứ Nhất tại kỳ thi quốc gia tuyển chọn thí sinh đại diện cho Việt Nam dự Kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 45 nghề "Công nghệ nước" diễn ra vào tháng 11/2018 tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 45, các thí sinh sẽ thể hiện hết mình kỹ năng, khả năng của họ trong nhiều mảng thuộc nhóm nghề về “Công nghệ nước” như: Phân tích nước, công nghệ đo, điều khiển và điều chỉnh, bảo trì thiết bị phụ trợ và điều khiển nhà máy xử lý nước thải. Bên cạnh chuyên môn kỹ thuật, sự khéo léo, tốc độ và khả năng làm việc nhóm cũng đóng một vai trò quan trọng.

Tháng Tám năm nay, cùng với huấn luyện viên Nguyễn Xuân Thành Nam, thí sinh Nguyễn Thái Phương sẽ bay đến Kazan (Nga) để trình diễn tay nghề, tranh đấu với các thành viên từ những quốc gia khác.

[Kỳ thi Tay nghề quốc gia: Khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp]

Các quy trình trong xử lý nước thải được vận hành thông suốt chỉ có thể được đảm bảo nếu như những người công nhân đứng sau các quy trình này được đào tạo tốt. Để đạt được điều này, cần có một chương trình đào tạo hiện đại với cấu trúc tốt.

Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã xây dựng chương trình đào tạo “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải“ tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Đến tháng 10/2018, khóa sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp. Thí sinh Nguyễn Thái Phương là một trong những sinh viên của chương trình đào tạo này.

Theo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, chất lượng của chương trình đào tạo nghề theo “tiêu chuẩn Đức” có thể coi là kiểu mẫu để đào tạo kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam. Đây cũng chính là tiền đề giúp cho các chuyên gia Việt Nam có thể đại diện cho quốc gia trong Kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 45.

Trong thời gian tới, chương trình đào tạo “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải“ sẽ không chỉ được đào tạo ở trường Cao đẳng Kỹ nghệ II mà còn mở rộng tại các trường cao đẳng khác trong cả nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục