Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới thập kỷ qua hầu như không thay đổi.
Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người (trên 15 tuổi) quy đổi theo cồn nguyên chất tại Việt Nam tăng từ 3,8 lít giai đoạn 2003-2005 lên 6,6 lít giai đoạn 2008-2010, cao hơn mức trung bình của thế giới (6,2 lít).
Thông tin trên được đưa ra tại Buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức vào chiều 8/1, tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu phân tích số liệu Điều tra Mức sống Hộ gia đình Việt Nam năm 2010, với cỡ mẫu 9.400 hộ gia đình đại diện ở cấp quốc gia thì có tới 57,72% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu bia thường xuyên.
Thành viên gia đình ở các hộ có người uống rượu bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với thành viên các hộ không có người uống rượu bia.
Thạc sỹ – Bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh (Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho biết: “ Sự chênh lệch thể hiện rõ ràng nhất trong chi tiêu y tế và giáo dục ở các nhóm nghèo, chi tiêu trên đầu người cho giáo dục và y tế ở các hộ nghèo có người sử dụng rượu bia chỉ bằng 48% và 60% so với hộ không có người sử dụng rượu bia.”
Tính riêng những người sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam, trung bình một năm tiêu thụ 17,2 lít cồn nguyên chất; đặc biệt nam giới tiêu thụ 27,4 lít/người/năm, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu, đứng thứ hai sau Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh (Viện Xã hội học) nhận xét: “ Tiếp cận rượu bia rất dễ dàng ở Việt Nam, khoảng 45% hộ gia đình luôn có sẵn rượu bia trong nhà và trên 60% người dân tin rằng rượu bia đảm bảo chất lượng và chỉ có khoảng ¼ cho rằng chất lượng không tốt.”
Tại buổi tọa đàm, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cũng nêu lên một số những tồn tại và hạn chế của hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia cần phải được sửa đổi, bổ sung và tăng cường hiệu lực.