Việt Nam mong muốn EU, Anh chia sẻ công nghệ chuyển đổi năng lượng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn EU, Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ trong chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển lưới điện thông minh, gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo...
Việt Nam mong muốn EU, Anh chia sẻ công nghệ chuyển đổi năng lượng ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng của EU Tibor Stelbaczky. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 17/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Chris Taylor, Đặc phái viên biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh; ông Tibor Stelbaczky, Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Anh, Liên minh châu Âu và các đối tác quốc tế IPG khác (Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã cùng các cơ quan Việt Nam đàm phán, thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với nguồn lực trong nước và hỗ trợ quốc tế. Việt Nam coi JETP là kênh quan trọng chủ yếu để nhận được hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các nước phát triển và định chế tài chính để chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chuyến thăm của ông Chris Taylor và ông Tibor Stelbaczky đến Việt Nam góp phần thúc đẩy việc thực hiện các cam kết Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 cũng như JETP.

Theo Phó Thủ tướng, về dài hạn và tổng thể, chuyển đổi xanh sẽ mang lại tài nguyên, năng lượng mới và khổng lồ, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, chi phí đầu tư do tác động biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để các nước đang phát triển đạt được mục tiêu và thành công như các nước phát triển, cần nhận rõ các thách thức, vướng mắc cụ thể để cùng giải quyết, cũng như cơ chế hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị..., trong đó nguồn tài chính từ các chính phủ sẽ dẫn dắt vốn đầu tư tư nhân.

[Chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh]

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam có trách nhiệm cùng với các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng “nhưng cần có cơ chế để cùng hành động.” Nhiệt độ Trái Đất không giảm đi chỉ bằng những cuộc thảo luận hay tuyên bố mà phải bằng sự chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, công nghệ, nguồn lực… trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt “không có giải pháp công nghệ, không thể làm được,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ một số nội dung về dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được hoàn thiện, Phó Thủ tướng mong muốn EU, Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ trong chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển lưới điện thông minh, gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, thúc đẩy công nghệ lưu trữ năng lượng, bảo đảm độ cân bằng và ổn định hệ thống năng lượng… với chi phí phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân. Từ đó, hướng tới hình thành trục truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh)…

Bày tỏ ủng hộ với sáng kiến thành lập Ban Thư ký JETP, Phó Thủ tướng cũng đề nghị EU, Anh hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; đồng thời lựa chọn dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh để giải quyết vướng mắc về tín dụng, công nghệ, quản trị…

Cảm ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng của EU Tibor Stelbaczky đánh giá cao những cam kết chính trị của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi xanh cũng như thực hiện JETP; nhấn mạnh vai trò quan hệ đối tác trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Việt Nam mong muốn EU, Anh chia sẻ công nghệ chuyển đổi năng lượng ảnh 2Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng của EU Tibor Stelbaczky và Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh Chris Taylor. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Mong muốn Ban Thư ký JETP sớm được thành lập để lắng nghe các ý kiến đóng góp; xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, ông Tibor Stelbaczky khẳng định cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các bên về nguồn lực, công nghệ, cũng như hỗ trợ lẫn nhau trong chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh.

Cho rằng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là vấn đề lâu dài và không dễ dàng, Đặc phái viên biến đổi khí hậu của Vương quốc Anh Chris Taylor bày tỏ tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong thực hiện JETP; đồng thời nhấn mạnh cần có chính sách hài hòa để giải quyết các thách thức và cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Chris Taylor, để đạt được mục tiêu dài hạn trong JETP và chuyển đổi xanh, cần có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và người dân; huy động đa dạng các nguồn lực và tạo ra khung quy định để hiện thực hóa mục tiêu.

Vương quốc Anh và EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về chuyên môn kỹ thuật, công nghệ cũng như phương thức huy động nguồn lực cần thiết từ những quốc gia đối tác toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.