Chính phủ Đức đang thực hiện tái cơ cấu các khoản bảo lãnh đầu tư, cụ thể là lập một danh sách các điểm đầu tư nước ngoài sẽ nhận được các điều kiện bảo lãnh tốt hơn, với mong muốn nền kinh tế Đức không phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ nào.
Báo Handelsblatt dẫn một tài liệu của Bộ Kinh tế Liên bang Đức cho biết Chính phủ nước này đã nhất trí cải thiện điều kiện bảo lãnh đầu tư đối với một nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định trên thế giới, theo đó nếu các doanh nghiệp Đức đầu tư vào 1 trong 34 quốc gia được liệt kê trong danh sách thì phần doanh nghiệp phải tham gia đóng góp trong trường hợp có rủi ro sẽ được giảm 50%.
Ngoài ra, phí bảo lãnh cũng sẽ được giảm bớt. Danh sách 34 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Đức nhận được ưu đãi trong bảo lãnh đầu tư theo các khu vực bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan (Nam/Đông Nam Á); Gruzia, Kazakhstan và Uzbekistan (Caucasus/Trung Á); Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Peru (Nam Mỹ); Albania, Bosnia- Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ (châu Âu); và Ai Cập, Algeria, Ethiopia, Benin, Côte d'Ivoire, Ghana, Kenya, Maroc, Rwanda, Senegal, Togo, Nam Phi, Tunisia (châu Phi).
Bảo lãnh đầu tư là trọng tâm trong chính sách ngoại thương của Đức. Khi một doanh nghiệp đầu tư vào một quốc gia đang phát triển hoặc mới nổi, công ty đó có thể đăng ký bảo lãnh đầu tư từ Chính phủ Liên bang Đức.
Nếu doanh nghiệp bị chính phủ một nước nào đó khấu trừ khoản đầu tư do bị sung công, chiến tranh hoặc vi phạm luật pháp, Chính phủ Liên bang Đức sẽ hoàn trả phần lớn khoản thiệt hại.
[Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao thị trường Việt Nam]
Tính đến tháng 6/2023, Chính phủ Liên bang Đức đã tiến hành bảo lãnh đầu tư khoảng 30 tỷ euro (31,73 tỷ USD). Việc cải thiện điều kiện bảo lãnh ở một số quốc gia được lựa chọn nêu trên nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới vào các thị trường khác mà cho tới nay còn ít hoặc hầu như chưa được khai thác.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Liên bang Đức Franziska Brantner, với những ưu đãi tích cực mới, Đức muốn hỗ trợ mạnh mẽ nền kinh tế trong quá trình đa dạng hóa với khả năng phục hồi cao hơn trước các cuộc khủng hoảng.
Danh sách 34 quốc gia nêu trên được lập ra dựa theo các tiêu chí khách quan cũng như các báo cáo kinh nghiệm cả bên trong và bên ngoài. Các nước này có vị trí cân bằng về mặt địa lý và mang lại tiềm năng cho các công ty Đức.
Ủy ban Liên bộ (IMA) - một tổ chức bao gồm đại diện các bộ liên quan, các ngành kinh tế và hiệp hội, đã nhất trí về 3 ưu đãi bảo lãnh gồm trong trường hợp có thiệt hại, phần tham gia đóng góp của doanh nghiệp sẽ giảm từ 5 xuống 2,5%. Với các khoản đầu tư lớn, sự khác biệt này có thể lên tới hàng triệu euro.
Thứ hai, phí nộp đơn bảo lãnh cũng được bãi bỏ hoặc chỉ chiếm 0,05% tổng số tiền đầu tư với khoản đầu tư trên 5 triệu euro (5,29 triệu USD).
Bên cạnh đó, phí bảo lãnh hằng năm sẽ giảm từ 0,5% số tiền bảo lãnh xuống 0,45%. Do yêu cầu pháp lý, tiêu chí thứ ba này không áp dụng cho một số quốc gia trong danh sách trên như Benin, Togo hay Ethiopia do nguy cơ vỡ nợ gia tăng.
Đối với tất cả các nước đang phát triển hoặc mới nổi khác, các điều kiện bảo lãnh trước đây vẫn được giữ nguyên. Điều sẽ được áp dụng cho tất cả các dự án là trước khi cấp bảo lãnh, IMA sẽ kiểm tra các dự án xem có đáp ứng các điều kiện hay không, trong khi rủi ro vỡ nợ không được quá cao./.