Ngày 9/3, khóa họp lần thứ 59 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW 59) đã chính thức diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York của Mỹ, với sự tham dự đông đảo của các đại biểu đại diện chính phủ các nước thành viên Liên hợp quốc và đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhà hoạt động về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ từ các khu vực trên toàn thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp do bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn cùng với đại diện của các cơ quan thành viên Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam bao gồm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc.
Ngoài ra, tham dự khóa họp còn có bà Nguyễn Phương Nga, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Phát biểu tại phiên khai mạc ngày 9/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đánh giá cao nỗ lực của các thành viên quốc gia trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc kinh và những thành tựu mà các quốc gia đã đạt được trong việc thực hiện đầy đủ và bình đẳng quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, những thành tựu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh những thách thức mà các nước thành viên đang phải đối đầu trong tiến trình thực hiện bình đẳng giới như hậu quả của khủng hoảng kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu, nhận thức về giới.
Theo đó, các quốc gia thành viên cần tiếp tục thực hiện các hành động tiên quyết trong việc xây dựng luật pháp và thực thi luật pháp chính sách, chiến lược cũng như chương trình dành cho phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường kiện toàn và hỗ trợ thể chế tổ chức về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; thay đổi các khuôn mẫu về giới, thúc đẩy chuẩn mực văn hóa và thực tiễn, đề cao vai trò tích cực và đóng góp của phụ nữ, xóa bỏ mọi phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Về phần mình, tại phiên họp cấp cao CSW 59 chiều 9/3, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng đã có bài phát biểu nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong việc trao các quyền lợi cho phụ nữ.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh Hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh là cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam không ngừng thực hiện trao quyền cho phụ nữ, thu hẹp khoảng cách giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ từ xây dựng luật pháp, chính sách đến việc thực thi bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên thực tế.
Hệ thống pháp luật được hoàn thiện. Luật Bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ phê duyệt và thực hiện hiệu quả các chiến lược, chính sách, chương trình hành động về sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới phù hợp với từng giai đoạn từ năm 1997 đến nay và đến năm 2020.
Vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội đã được nâng lên. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khoảng cách chênh lệch về giới trong tiếp cận giáo dục hầu như không còn trong tất cả các bậc học - thậm chí nhiều phụ nữ đạt được bằng đại học và cao đẳng hơn nam giới. 48,5% lực lượng lao động của Việt Nam là phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt hơn 20%.
Trong lĩnh vực chính trị, lần đầu tiên Việt Nam có 2 nữ Ủy viên Bộ chính trị, 2 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước. Trên bình diện khu vực, Việt Nam đã tích cực và chủ động đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy địa vị của phụ nữ, đặc biệt là việc hình thành và phát triển mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN.
Việt Nam đã đạt được các chỉ số xếp hạng đáng khích lệ trong thực hiện bình đẳng giới của Liên hợp quốc, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng.
Việt Nam tin tưởng rằng, để đạt được những tiến bộ thực sự về bình đẳng giới, rất cần sự thống nhất về nhận thức là phát triển kinh tế cần gắn với tiến bộ xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chú trọng hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ; phải hình thành bộ máy quản lý Nhà nước có hiệu quả và triển khai lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các chương trình, sáng kiến ở các cấp; trao quyền cho phụ nữ cần gắn với khơi dậy ý chí vươn lên của chính họ.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Song, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn và thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tư tưởng “trọng nam, coi thường phụ nữ” vẫn còn tồn tại. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn xảy ra ở các vùng, miền, dưới các hình thức và mức độ khác nhau.
Tiếp tục đạt được các mục tiêu chiến lược của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, Việt Nam quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội, xóa đói, giảm nghèo; và đảm bảo tốt hơn nữa các quyền của phụ nữ và trẻ em gái."
Theo dự kiến, trong các ngày tiếp theo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền sẽ tiếp tục tham gia các cuộc họp cấp cao, các sự kiện bên lề về tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động nữ; thúc đẩy sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Đồng thời, Bộ trưởng sẽ có các cuộc gặp tiếp xúc song phương với Giám đốc điều hành UN Women, Giám đốc UNFPA và Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc và một số các cuộc tiếp xúc khác./.