Việt Nam-Pháp trao đổi kinh nghiệm Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Việt Nam-Pháp trao đổi kinh nghiệm Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ảnh 1Trung tướng Võ Văn Tuấn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Pháp, trong hai ngày 19-20/11, tại Hà Nội, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Hội nghị góp phần tăng cường hiểu biết, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ngài Rémi Lambert - Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Trung tá Christophe Talon - Tùy viên Quốc phòng Pháp tại Việt Nam cùng các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về gìn giữ hòa bình của Quân đội Pháp tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Võ Văn Tuấn nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Pháp phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác trên lĩnh vực Giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc bắt đầu từ khi Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia tại các phái bộ của Liên hợp quốc.

Đánh giá cao với vai trò là thành viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Pháp đã có những đóng góp tích cực về ngân sách cũng như lực lượng tham gia duy trì hòa bình, Trung tướng Võ Văn Tuấn mong muốn Pháp giúp Việt Nam có những ứng viên thi vào vị trí của Cơ quan Liên hợp quốc về gìn giữ hòa bình.

Trung tướng Võ Văn Tuấn lưu ý Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cần trung tập đổi để về lộ trình, kế hoạch hợp tác cụ thể giữa hai nước, trong đó đi sâu vào các thế mạnh của Pháp như đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ trang thiết bị; nghiên cứu hình thức mời các chuyên gia Pháp sang đào tạo tiếng Pháp cho lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam trong trường hợp triển khai lực lượng tới các phái bộ mà tiếng Pháp là ngôn ngữ sử dụng chính thức.

Trong quá trình chuẩn bị và triển khai lực lượng, Việt Nam và Pháp cần phối hợp cả ở cấp chính sách giữa Phái đoàn thường trực hai nước ở Liên hợp quốc cũng như phối hợp cấp thực hiện nhiệm vụ giữa lực lượng hai nước ở các phái bộ.

Nhấn mạnh gìn giữ hòa bình là một trong những hoạt động quan trọng được trao cho Liên hợp quốc mà hai nước Pháp và Việt Nam là những thành viên tích cực, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Rémi Lambert cho biết, Pháp hiện đang là nước đứng thứ ba về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trên phương diện tài chính và có hơn 900 người được triển khai khắp nơi trên thế giới để tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình. Do vậy, Pháp đã rút được kinh nghiệm hoạt động to lớn từ sự tham gia đó. Đặc biệt, trên cương vị là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Pháp đã đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc đề xuất hồ sơ của các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Đánh giá cao Việt Nam đã cử các sỹ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại phái bộ của Liên hợp quốc, ngài Rémi Lambert khẳng định Pháp sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về các hoạt động gìn giữ hòa bình. Pháp sẽ làm hết sức có thể để Việt Nam hòa nhập tốt nhất vào các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trong hai ngày, hội nghị sẽ trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm của Pháp về hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; chia sẻ kinh nghiệm đàm phán với Liên hợp quốc về Bản ghi nhớ giữa nước cử lực lượng vào Liên hợp quốc và phương hướng, cách tính giá trị tỉ lệ bồi hoàn tiền lương, trang bị thiết bị; kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Gìn giữ hòa bình, nhất là công tác tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, đào tạo và quá trình triển khai lực lượng.

Đại diện Tùy viên Quốc phòng Pháp sẽ giới thiệu chung về cơ cấu Liên hợp quốc và các hoạt động Gìn giữ hòa bình; mô hình các Trung tâm đào tạo Gìn giữ hòa bình của một số quốc gia trong khu vực. Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ và mô hình xây dựng Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương lớn của Nhà nước và Quân đội, hiện thực hóa chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, tích cực chủ động đóng góp vào các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã cử 7 lượt sỹ quan tham gia các phái bộ của Liên hợp quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị về đào tạo, huấn luyện và trang thiết bị để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 và một Đại đội Công binh tham gia hoạt động giữ giữ hòa bình khi Liên hợp quốc có yêu cầu…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục