Việt Nam-Séc có nhiều tiềm năng hợp tác về đầu tư, thương mại

Tại Hội thảo doanh nghiệp Việt-Séc, tổ chức tại TP.HCM, các đại biểu nhận định, Việt Nam-Séc có nhiều tiềm tăng để hợp tác đầu tư và đẩy mạnh trao đổi thương mại trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam-Séc có nhiều tiềm năng hợp tác về đầu tư, thương mại ảnh 1Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việt Nam và Cộng hòa Séc có nhiều tiềm tăng để hợp tác đầu tư và đẩy mạnh trao đổi thương mại trong nhiều lĩnh vực.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam-Séc do Liên đoàn Công nghiệp Séc và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/4.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, nền kinh tế Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Điều đó tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Theo ông Võ Tân Thành, Cộng hòa Séc hiện là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc năm 2017 đạt hơn 257 triệu USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt hơn 151 triệu USD, nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 106 triệu USD).

Riêng hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đạt gần 50 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cộng hòa Séc gồm: giày dép, hàng may mặc, điện thoại di động, linh kiện điện tử, nông sản và thủy hải sản.

[Quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam với doanh nghiệp Séc]

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Séc chủ yếu là máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, hóa chất, dược phẩm, đồ thủy tinh phalê…

Về đầu tư, đến hết tháng Hai vừa qua, Cộng hòa Séc có 36 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 90 triệu USD, xếp thứ 49 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có bốn dự án đầu tư tại Séc, với tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 triệu USD.

Theo ông Võ Tân Thành, những kết quả trên vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng hợp tác và thế mạnh của mỗi quốc gia.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Séc không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên chưa hợp tác nhiều vì thiếu thông tin thị trường, chưa nắm bắt được nhu cầu của đối tác.

Ông Vladimir Bartl, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc cũng nhấn mạnh, Việt Nam và Séc có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam-Séc có nhiều tiềm năng hợp tác về đầu tư, thương mại ảnh 2Ông Vladimir Bartl, Thứ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Czech phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Các doanh nghiệp Séc có thế mạnh về trong ngành năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tự động hóa, dịch vụ tài chính, bảo hiểm.

Ngoài ra, Séc cũng có năng lực và kinh nghiệm trong việc hoạch định không gian phát triển đô thị, sản xuất và vận hành hệ thống giao thông công cộng… là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu ưu tiên phát triển.

Theo ông Vladimir Bartl, Séc xác định Việt Nam là đối tác và thị trường quan trọng trong chiến lược mở rộng kinh doanh tại khu vực châu Á.

Cụ thể, các doanh nghiệp Séc mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án cơ khí chế tạo, năng lượng, sản xuất ximăng, vật liệu xây dựng, cung cấp thiết bị y tế, hàng không và xử lý môi trường.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh trao đổi thương mại các mặt hàng mà nước ngày có thế mạnh còn nước kia có nhu cầu.

Việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Séc không chỉ giúp mỗi nước khai thác tốt thị trường đối phương mà còn tạo ra cầu nối thương mại để hai nước mở rộng thị phần ra khối thị trường rộng lớn gồm châu Á và châu Âu.

Tuy nhiên, để có thể khai thác tốt các tiềm năng hợp tác đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam-Séc cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Mặt khác, doanh nghiệp mỗi nước cũng phải chủ động tìm hiểu thông tin về đối tác, nhu cầu thị trường để kịp thời nắm bắt các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.