Việt Nam tập trung chế biến sâu, gia tăng giá trị ngành càphê

Đến năm 2030, Việt Nam không tăng diện tích, thậm chí phải giảm diện tích càphê, đồng thời tập trung chế biến sâu, đẩy mạnh liên kết để phát triển thương mại, tăng giá trị ngành càphê.
Việt Nam tập trung chế biến sâu, gia tăng giá trị ngành càphê ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm vườn càphê của hộ nông dân Nguyễn Đăng Tỉnh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 9/12, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Càphê Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo với chủ đề “Thời kỳ phát triển mới của ngành càphê Việt Nam.”

Theo Ban tổ chức, hội thảo tập trung vào bàn giải pháp nhằm đẩy mạnh khâu chế biến càphê rang xay, càphê hòa tan và các sản phẩm khác, đưa giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu càphê đến năm 2030 lên 6 tỷ USD.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết những năm qua ngành càphê đã có tốc độ phát triển nhanh, bền vững và đồng bộ. Cách đây 30 năm, diện tích càphê của Việt Nam mới chỉ đạt vài chục nghìn hécta, chiếm chưa tới 1% sản lượng càphê thế giới.

Tuy nhiên, đến năm 2016, diện tích càphê của Việt Nam đã đạt 645.000ha. Cách đây 20 năm, năng suất càphê của Việt Nam đạt dưới bình quân thế giới, nay đạt khoảng 2,5 tấn/ha, cao gấp 3 mức bình quân năng suất càphê của thế giới.

Tổng sản lượng càphê nhân năm 2016 cả nước đạt 1,6 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới. Cùng năm, Việt Nam xuất khẩu càphê đạt 3,4 tỷ USD, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 600.000 người.

[Việt Nam được bầu vào Ủy ban điều hành Hiệp hội Càphê châu Á]

“Ngành càphê trong 30 năm qua đã thực sự trưởng thành đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Đời sống người trồng càphê không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình trở nên giàu có. Ngành càphê Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục, từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến và phân phối thương mại,” Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, định hướng đến năm 2030, Việt Nam không tăng diện tích, thậm chí phải giảm diện tích càphê ở những nơi không có lợi thế, đồng thời tập trung chế biến sâu, đẩy mạnh liên kết để phát triển thương mại, tăng giá trị ngành càphê.

Bộ trưởng cũng cho biết ngành càphê Việt Nam đang đứng trước rất nhiều tiềm năng. Cụ thể, hiện nay thị trường thế giới về nước uống từ càphê đạt 500 tỷ USD trong khi Việt Nam mới xuất khẩu được 3,4 tỷ USD. Tốc độ thế giới về tiêu dùng các sản phẩm về càphê tăng trưởng mỗi năm là 2,5% trong khi Việt Nam với gần 100 triệu dân, 65% dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nên tiềm năng tiêu thụ càphê ở thị trường trong nước vẫn đang rất lớn.

Việt Nam tập trung chế biến sâu, gia tăng giá trị ngành càphê ảnh 2Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại hội chợ của Tuần lễ càphê Đà Lạt. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận nêu bật những thành quả của ngành càphê Việt Nam cũng như những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp để khắc phục, tiếp tục thúc đẩy ngành càphê phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu...

Theo đánh giá của các chuyên gia, càphê là mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nếu xuất khẩu sản phẩm qua chế biến sâu như càphê hòa tan, thì giá trị có thể tăng gấp đôi so với xuất khẩu càphê nhân, vì 1kg càphê nguyên liệu chỉ có giá bằng một cốc càphê.

Các giải pháp được đưa ra là thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình tái canh diện tích càphê đã già cỗi, kém năng suất. Ưu tiên phát triển nguồn giống năng suất, chất lượng cao, đồng thời đẩy mạnh đầu tư càphê chế biến, càphê hòa tan.

Hội thảo “Thời kỳ phát triển mới của ngành càphê Việt Nam” là một trong những nội dung chính nằm trong khuôn khổ của Ngày hội càphê Việt Nam lần thứ Nhất đang diễn ra tại Thành phố Đà Lạt, từ ngày 9-11/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.