“Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời sẽ thúc đẩy thương mại quốc tế gia tăng mạnh mẽ cũng như sự bùng nổ trong hoạt động đầu tư thông qua các thương vụ sáp nhập và tiếp quản doanh nghiệp, tăng cả về số lượng và giá trị.”
Chuyên gia kinh tế hàng đầu Thái Lan, nghị sỹ, giáo sư, tiến sỹ Somjai Phagaphasvivast không một chút do dự đưa ra dự báo trên tại “Chương trình phát triển mạng lưới doanh nghiệp trẻ” do Bộ Ngoại thương Thái Lan, trường Đại học Thammasat và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 28/9 đến ngày 2/10.
Bởi, nghị sỹ Phagaphasvivast cho rằng, việc AEC ra đời không chỉ mở ra một thị trường 550 triệu dân mà nó còn kết nối rộng hơn rất nhiều qua các hiệp định thương mại đa phương (như ASEAN + 3 và ASEAN 6), mở ra thị trường rộng lớn quy mô lên trên 3.300 triệu người.
Tham gia Chương trình lần này có 60 nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam và Thái Lan, đây là những doanh nghiệp trẻ có tuổi đời từ 3 năm trở nên, doanh thu tối thiểu từ 350.000 USD/năm đồng thời cam kết về khả năng và đã sẵn sàng để mở rộng thị phần ra thị trường ASEAN.
Trong chương trình, các nhà quản lý trẻ không chỉ kết nối, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, văn hóa và thị trường hai nước mà còn được các chuyên gia kinh tế hàng đầu Thái Lan trao đổi các thông tin về tầm nhìn, dòng chảy tài chính cũng như cơ hội, thách thức trong bối cảnh hội nhập. Bên cạnh đó, các doanh nhân cũng được đào tạo kỹ năng và quản trị doanh nghiệp hiện đại và xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong một ASEAN thống nhất, giàu bản sắc.
Theo kế hoạch vào cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành, mang tới một thị trường bằng phẳng với các mức thuế quan và hạn ngạch về “0” cho hầu hết hàng hóa có quy tắc xuất xứ trong nội bộ khối.
Bên cạnh đó, AEC cũng mở ra thị trường tự do hóa về tài chính, lao động, đầu tư. Cụ thể, thị trường tài chính hội nhập sẽ bao gồm cả vốn chủ sở hữu và các công cụ nợ. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được nâng tiêu chuẩn đồng đều trong khu vực hay những quy chế trong hệ thống mỹ phẩm, thiết bị và điện tử... cũng được đề ra.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Trưởng đoàn doanh nhân SME Việt Nam tham dự Chương trình nhấn mạnh, doanh nghiệp SME Việt Nam chiếm tỷ lệ 97% doanh nghiệp cả nước, hàng năm thu hút trên 50% lao động, chiếm trên 40% GDP, là khu vực kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trước cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang cùng với các ban ngành và Chính phủ tích cực thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đặc biệt là doanh nghiệp trẻ.
Bà Lý cũng cho biết, năm 2014, Hiệp hội đã thành lập “Vườn ươm doanh nghiệp” từ “Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia” và đã ươm tạo được 26 doanh nghiệp từ các cuộc thi khởi nghiệp, trong đó đã có những sáng chế được công nhận sáng chế quốc tế và đang được thương mại hóa sản phẩm.
“Trong đó, đặc biệt là sáng chế bộ sản phẩm ‘Xác thực hàng hóa.’ Bản chất đây là một quy trình xác thực thông tin chống hàng giả, hỗ trợ người tiêu dùng xác thực tức thì sản phẩm mình muốn mua có phải của chính hãng, thông qua ứng dụng điện thoại smatphone. Bộ sản phẩm này đi vào đời sống hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái vốn không chỉ ở thị trường Việt Nam mà nó cũng đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu,” bà Lý nói./.