Trong thời gian gần đây, Thái Lan rất quan tâm đến dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận trên phương diện đánh giá ảnh hưởng và tác động môi trường.
Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Thái Lan giao cho các nhà khoa học tại Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan nghiên cứu và cho đánh giá.
Theo đó, trong hai ngày 25 và 26/1, tại Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan đã diễn ra hội thảo kỹ thuật phối hợp giữa Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, với chủ đề “Nghiên cứu an toàn nhà máy điện hạt nhân” (Nuclear Power Plant Safety Research).
Được sự đồng ý của lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đoàn Việt Nam gồm 6 cán bộ nghiên cứu của hai Trung tâm Năng lượng hạt nhân và An toàn hạt nhân của Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã tham dự hội thảo nói trên.
Tại hội thảo, đoàn đã trình bày 7 báo cáo khoa học về năng lực nghiên cứu và chương trình phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; đánh giá số hạng nguồn và tác động môi trường từ một số kịch bản tai nạn giả định tại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; nghiên cứu các đặc trưng vật lý, tính toán tối ưu nạp tải nhiên liệu; nghiên cứu an toàn thủy nhiệt và an toàn hạt nhân trong phòng chống sự cố nặng đối với công nghệ VVER-1200.
Tham gia hội thảo về phía Thái Lan là các nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ hạt nhân, các nhà khoa học đến từ Đại học Chulalongkorn, Đại học công nghệ King Mongkut và Cơ quan năng lượng nguyên tử vì hòa bình (OAP).
Các báo cáo của phía Thái Lan tập trung vào chủ đề về đánh giá năng lực nghiên cứu công nghệ và an toàn điện hạt nhân, hệ thống quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường, các ứng dụng kỹ thuật và phân tích hạt nhân trên lò phản ứng nghiên cứu TRIGA Mark III của Thái Lan.
Thông qua các trao đổi khoa học, hai bên đã nhận thức được các vấn đề chung cùng quan tâm và mong muốn đẩy mạnh hợp tác.
Sau khi trao đổi và xem xét tính khả thi của một số đề xuất nghiên cứu phối hợp, hai bên đã thống nhất lựa chọn đề tài nghiên cứu vấn đề lan truyền phóng xạ tầm xa và đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới, từ các kịch bản tai nạn giả định tại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận của Việt Nam, Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành của Trung Quốc; tiến tới cùng xây dựng, phát triển và sở hữu chung một phần mềm tính toán chuyên dụng.
Trên cơ sở đề xuất này, hai bên đang thảo luận để đi đến thống nhất mô hình hợp tác nghiên cứu phù hợp, hiệu quả để đệ trình lãnh đạo của Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xem xét.
Hai bên hy vọng mô hình hợp tác nghiên cứu nếu được thông qua có thể là tiền đề cho một số đề tài hợp tác tiếp theo, kể cả các chương trình trao đổi khoa học và phát triển nguồn nhân lực.
Hội thảo được xem là bước khởi đầu cho sự hợp tác nghiên cứu và trao đổi khoa học giữa hai Viện, tiến tới phát triển hệ thống nghiên cứu an toàn điện hạt nhân giữa các nước Đông Nam Á.
Trước đó, Hội đồng khoa học cấp nhà nước đã nghiệm thu Đề tài KC-05.04/11-15 “Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của phóng xạ phát ra từ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trong điều kiện hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố theo các cấp độ khác nhau,” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (KC-05), do Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân là cơ quan chủ trì.
Đề tài về cơ bản đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu, bao gồm đánh giá số hạng nguồn phóng xạ, xây dựng bản đồ phân bố hoạt độ và liều bức xạ, đánh giá tác động môi trường gây ra bởi sự phát thải chất phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trong điều kiện làm việc bình thường, cũng như trong một số kịch bản tai nạn theo các cấp độ của thang sự cố, tai nạn hạt nhân quốc tế (INES) trong phạm vi bán kính 80km từ vị trí nhà máy (phát tán phóng xạ tầm gần), dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (USNRC)./.