Việt Nam tham dự Diễn đàn Fullerton lần thứ 6 tại Singapore

Đoàn Việt Nam do Trung tướng, tiến sỹ Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, dẫn đầu tham dự diễn đàn Fullerton lần thứ 6 diễn ra tại Singapore từ ngày 28-30/1.
Việt Nam tham dự Diễn đàn Fullerton lần thứ 6 tại Singapore ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

 Diễn đàn Fullerton lần thứ 6 diễn ra tại Singapore từ ngày 28-30/1 đã quy tụ gần 100 đại biểu là các quan chức quốc phòng và học giả từ hơn 20 quốc gia trên thế giới nhằm tìm kiếm những giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn và ổn định trong khu vực.

Đoàn Việt Nam do Trung tướng, tiến sỹ Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, dẫn đầu tham dự diễn đàn.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo nhấn mạnh hợp tác an ninh hàng hải, bao gồm các vấn đề về hoạt động kinh tế hàng hải và an ninh, an toàn đòi hỏi sự hợp tác xuyên quốc gia và sự quan tâm lâu dài và nhất quán từ quan điểm của việc theo đuổi một chính sách an ninh toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác an ninh hàng hải và ngăn chặn các cuộc đụng độ không mong muốn do nhầm lẫn và hiểu nhầm, thông qua các kênh khác nhau như Diễn đàn Fullerton, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Cấp cao Đông Á (EAS).

Đề cập tới tầm quan trọng của an ninh hàng hải, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc dẫn chứng 90% thương mại toàn cầu là thông qua vận tải biển, điều này cho thấy tất cả các nước trên thế giới đều có quan hệ chặt chẽ với nhau qua đại dương.

Trong số đó, 40% dân số thế giới sống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này cũng chiếm 52% GDP thế giới và 47% thương mại thế giới. Vì vậy, là trung tâm chính của nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia cần có trách nhiệm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết được những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn như tranh chấp lãnh hải, tội phạm, hoạt động khủng bố tại cảng và ô nhiễm trên biển, rất khó đảm bảo được tự do hàng hải. Một số vụ tranh chấp lãnh hải nhạy cảm ở một số nơi trong khu vực đang được xem như là lý do để phô trương sức mạnh quân sự và dẫn tới các cuộc chạy đua vũ trang...

Việt Nam tham dự Diễn đàn Fullerton lần thứ 6 tại Singapore ảnh 2Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Ông Song Young-moo khẳng định với vai trò là đồng Chủ tịch Hiệp hội An ninh Hàng hải cùng với Singapore, Hàn Quốc sẽ làm hết sức mình để tăng cường khả năng phản ứng của các quốc gia thành viên đối với các mối đe dọa an ninh hàng hải trong khu vực.

Đáng chú ý, Hàn Quốc đã chủ động đề xuất sáng kiến tổ chức một diễn đàn về hòa bình và trật tự biển ở vùng biển Đông Bắc Á với sự tham gia của hải quân các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga và trên cơ sở đó có thể mở rộng không chỉ cho toàn bộ khu vực Đông Á, mà còn cho Đông Nam Á và Tây Nam Á.

Đồng tình với quan điểm này, Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến của Hàn Quốc đồng thời nhất trí rằng các cơ chế hợp tác như ADMM, ADMM+... có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các thách thức an ninh của khu vực, đặc biệt là các vấn đề về an ninh phi truyền thống; trong đó đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo đảm trật tự quốc tế với tinh thần thượng tôn pháp luật, không tiến hành các giải pháp bằng vũ lực hoặc de dọa vũ lực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Trung tướng, tiến sỹ Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng như các cuộc tấn công mạng, chi phối không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế mà ở tất các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, các nước cần tìm kiếm các giải pháp cùng hợp tác để hành động cũng như chia sẻ thông tin vì đây là vấn đề mà một quốc gia không thể giải quyết được.

Việt Nam tham dự Diễn đàn Fullerton lần thứ 6 tại Singapore ảnh 3Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Hội thảo Fullerton lần thứ 6 tập trung vào bốn chủ đề chính bao gồm: Bảo vệ lợi ích và tránh xung đột; khủng bố và chống khủng bố; quản lý các thách thức an ninh biển và tìm kiếm các giải pháp hợp tác về an ninh.

Các đại biểu và học giả tham dự diễn đàn đã nhấn mạnh đến các vấn đề về an ninh phi truyền thống như an ninh và an toàn, tự do hàng hải; chống khủng bố; tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn cũng như lợi ích của các quốc gia trong sự phối hợp cùng hành động để cùng đảm bảo môi trường hòa bình.

Bên cạnh đó, vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên cũng được đề cập tới bởi đây là một trong những nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, gây mất ổn định và đe dọa tới hòa bình, an ninh của khu vực cũng như trên thế giới.

Trên cơ sở nhận diện những thách thức này, các nước nhất trí tìm kiếm các giải pháp cùng hợp tác để hành động cũng như chia sẻ thông tin, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các nước lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh an toàn cho khu vực cũng như trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục