Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 34 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã diễn ra từ ngày 25-26/11 tại thủ đô Paris của Pháp, với sự tham dự của gần 80 đoàn các nước và vùng lãnh thổ là thành viên và quan sát viên của OIF.
Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Các nền kinh tế mới-kinh tế biển, kinh tế xanh-động lực tạo ra của cải vật chất, hòa nhập xã hội và phát triển bền vững,” hội nghị tập trung hiện thực hóa Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ được thông qua năm 2014.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và khủng bố gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, các nước tham dự hội nghị đều bày tỏ mong muốn cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phát huy vai trò trong việc ngăn ngừa, hỗ trợ giải quyết xung đột, khủng hoảng, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, trước hết là ở các nước thành viên.
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị đã đồng thuận thông qua các nghị quyết về các nền kinh tế biển và kinh tế xanh, về vấn đề biến đổi khí hậu và về con đường khác tới hòa bình thông qua đối thoại, giáo dục.
Hội nghị nhấn mạnh quyết tâm của cộng đồng Pháp ngữ trong việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế gắn với phát triển bền vững, nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và ủng hộ sự cần thiết đảm bảo tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không, thúc đẩy hợp tác, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng Pháp ngữ kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hợp tác nhằm giải quyết vấn đề người di cư hiện nay trên thế giới, trong đó có Libya.
Đoàn Việt Nam tham dự đã có nhiều đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ những quan tâm chung về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; cập nhật tình hình chính trị, an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp vào các hoạt động chung của Pháp ngữ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thông báo việc Việt Nam đã ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đoàn Việt Nam cũng có nhiều đóng góp nhằm xây dựng các văn kiện của Hội nghị theo hướng cân bằng, đáp ứng quan tâm của các nước Pháp ngữ, qua đó giúp đạt được đồng thuận.
Trong tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị với Tổng thư ký Pháp ngữ và trưởng đoàn một số nước, Trưởng đoàn Việt Nam đã đề xuất một số nội dung hợp tác cụ thể giữa Việt Nam với các nước Pháp ngữ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, trao đổi thương mại, đầu tư, tăng cường giảng dạy tiếng Pháp...
Hội nghị đã quyết định tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 35 tại Erevan, Armenia, vào tháng 10/2018, ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Armenia./.