Việt Nam tham dự hội thảo về chính sách của chính quyền Trump

Cuối tuần qua, tại trường đại học Havard (Mỹ) đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề "Chính sách của chính quyền Trump: Những tác động đối với an ninh và sự phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương."
Việt Nam tham dự hội thảo về chính sách của chính quyền Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Louisville, Kentucky. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuối tuần qua, tại trường đại học Harvard (Mỹ) đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề "Chính sách của chính quyền Trump: Những tác động đối với an ninh và sự phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương."

Các diễn giả tại hội thảo đều là những chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề an ninh, kinh tế của khu vực như giáo sư James Homes của Học viện Hải Quân Mỹ, giáo sư Ngô Vĩnh Long của trường Đại học Maine, tiến sỹ Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS; giáo sư David Dapice, chuyên về kinh tế phát triển Đông Á của Đại học Harvard; tiến sỹ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia, Cục Thống kê của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, cuộc hội thảo còn có sự hiện diện của của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, và Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, bà Nguyễn Phương Nga.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Phạm Quang Vinh bày tỏ hy vọng rằng đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì và thúc đẩy cho dù nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump đang thiết lập lại các ưu tiên đối ngoại.

Tiếp đến, các diễn giả đã lần lượt trình bày các bài tham luận xoay quanh những chủ đề đang được dư luận quan tâm như các liên minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong kỷ nguyên mới; các khả năng chính sách của Chính quyền Trump đối với vấn đề Biển Đông; các đối tác Ngoại vi và An ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; Những phương án thay thế cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Tác động của chính sách mậu dịch mới của Mỹ đối với Việt Nam.

Về vấn đề an ninh, điểm chung của các bài tham luận là các diễn giả đều nhấn mạnh đến tính chất chưa rõ ràng trong chính sách của chính quyền mới đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này khiến cho các đối tác khu vực của Mỹ thêm quan ngại trong bối cảnh trật tự hiện nay của thế giới có nguy cơ bị đảo lộn do cuộc cạnh tranh giữa một bên là những cường quốc muốn thay đổi và những cường quốc muốn duy trì nguyên trạng.

Theo một số diễn giả, việc chính quyền mới ở Mỹ có xu hướng lơ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để thay vào đó chú trọng trở lại khu vực Trung Đông, các điểm nóng tại khu vực (như Biển Đông và Biển Hoa Đông) có thể căng thẳng hơn trong thời gian tới.

Trước viễn cảnh đó, giáo sư Ngô Vĩnh Long cùng một số chuyên gia khác khuyến nghị chính phủ các quốc gia nhỏ chuẩn bị những chiến lược lâu dài, thay vì duy trì cách tiếp cận lâu nay là đối phó kiểu "nước đến chân mới nhảy."

Về vấn đề tự do mậu dịch, các diễn giả đều giảm nhẹ tác động của việc Mỹ rút khỏi TPP đối với nền kinh tế Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam cần luôn ở tâm thế sẵn sàng đàm phán với Mỹ một hiệp định thương mại tự do song phương. Cụ thể, giáo sư Dapice đưa ra bốn kiến nghị cho Việt Nam, gồm tập trung vào những hoạch định trong kế hoạch công nghiệp - đưa ngành công nghiệp trong nước có khả năng và sức cạnh tranh cao hơn; quan sát xem liệu Nhật Bản và Australia có muốn tiếp tục thúc đẩy TPP nữa không khi không còn sự tham gia của Mỹ; cần sẵn sàng đàm phán với Mỹ một hiệp định thương mại tự do song phương giống như Singapore và Hàn Quốc từng làm; thăm dò động thái của Trung Quốc trong việc thúc đẩy một khối thương mại trên nền tảng Trung Quốc.

Trong khi đó, tiến sỹ Vũ Quang Việt đưa ra một loạt cảnh báo về nền kinh tế Mỹ. Theo tiến sỹ, thâm hụt mậu dịch của Mỹ là vấn đề nghiêm trọng suốt hơn 30 năm qua, người Mỹ tiêu dùng quá khả năng của mình nhờ đồng USD vẫn được gần như cả thế giới chấp nhận là đồng tiền thanh toán quốc tế.

Do năng suất lao động tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang gia tăng ở tốc độ cao hơn nhiều so với mức gia tăng việc làm. Trong giai đoạn 2000-2016, thị trường việc làm Mỹ tăng trung bình 0,5%/năm song dân số ở độ tuổi đi làm (16-64 tuổi) lại tăng mỗi năm 0,9%.

Tiến sỹ dự đoán từ năm 2016 trở đi, do tiến trình tự động hóa, năng suất cao hơn, mức tăng việc làm tiếp tục không theo kịp mức tăng dân số ở độ tuổi đi làm. Do đó, theo ông Vũ Quang Việt, các biện pháp bảo hộ thương mại khó có thể đem lại việc làm cho người Mỹ.

Nước Mỹ vẫn chỉ còn rất ít hoạt động chế tạo, thâm hụt mậu dịch vẫn cao và nước Mỹ sẽ tiếp tục in tiền để chi tiêu cho đến khi thế giới không chấp nhận đồng USD nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục