Nội dung Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc sẽ là cơ sở để sửa đổi các quy định pháp luật về quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ Luật Lao động.
Đây là thông tin đưa ra tại Tọa đàm Dự thảo Công ước của ILO về chấm dứt bạo lực, quấy rối trong công việc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội.
Sẽ có Công ước riêng về quấy rối tình dục
Cách đây 4 năm, vào năm 2015, ILO đã khởi động quá trình xây dựng một bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới về bạo lực và quấy rối trong công việc. ILO thừa nhận rằng bạo lực trong công việc là một mối đe dọa đối với phẩm giá, an ninh, sức khỏe và phúc lợi của mọi người. Ngoài ra, bạo lực tại nơi làm việc không chỉ tác động tới người lao động và người sử dụng lao động, mà còn tác động tới gia đình, cộng đồng, tới nền kinh tế và toàn thể xã hội. Do đó, các thành viên ILO sẽ cùng thống nhất thông qua một Công ước quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc.
Bà Vương Thái Nga, tổ chức Care cho biết, dự thảo Công ước dài 10 trang, gồm 7 chương: Định nghĩa; phạm vi; nguyên tắc cốt lõi; bảo vệ và phòng ngừa; thi hành và khắc phục; hướng dẫn, đào tạo và nâng cao nhận thức; phương pháp áp dụng.
[Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Chỉ định nghĩa thì chưa khả thi]
Theo bà Vương Thái Nga, trong dự thảo Công ước hiện nay, đáng chú ý là sự mở rộng phạm vi đối với các khái niệm “bạo lực,” “quấy rối,” “trong công việc” và “người lao động.” Trong đó, thuật ngữ “bạo lực và quấy rối” trong công việc đề cập tới một loạt các hành vi (các nguy cơ) không được chấp nhận, dù xảy ra một lần hoặc lặp lại nhiều lần, nhằm mục đích, gây ra hoặc có khả năng gây ra tác hại về mặt thể chất, tâm lý, tình dục và kinh tế.
“Người lao động” trong dự thảo được quy định bao gồm nhân viên, những người làm việc bất kể tình trạng hợp đồng của họ, những người đang được đào tạo, gồm cả thực tập sinh và người học việc/học nghề, người lao động đã chấm dứt việc làm, tình nguyện viên, người tìm việc và ứng viên xin việc, trong tất cả các ngành, cả ở khu vực kinh tế chính thức và không chính thức, ở khu vực thành thị hay nông thôn.
Dự thảo cũng làm rõ khái niệm “trong công việc” là bất cứ địa điểm hoặc môi trường nào liên quan đến quá trình làm việc, có liên hệ với hoặc phát sinh từ công việc. Ví dụ như không gian công và tư nơi diễn ra công việc; nơi nghỉ ngơi hay dùng bữa, hoặc sử dụng các cơ sở/trang thiết bị vệ sinh, rửa ráy và thay đồ; trong các chuyến công tác hoặc di chuyển liên quan đến công việc, tập huấn/đào tạo, các sự kiện hoặc các hoạt động xã hội có liên quan đến công việc; tại các nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp...
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tại Hội nghị Lao động Quốc tế tổ chức vào tháng Sáu tới, mỗi quốc gia thành viên của ILO trong đó có Việt Nam sẽ cử một đoàn đại biểu ba bên tham gia gồm đại diện từ Chính phủ, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động.
Tất cả đại biểu có quyền biểu quyết độc lập và tất cả các phiếu biểu quyết đều có giá trị như nhau, bất kể dân số của quốc gia thành viên mà họ đại diện. Sau khi Công ước mới này của ILO được thông qua, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn.
Việt Nam nỗ lực chống quấy rối tình dục
Trên thực tế, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của ILO về Phân biệt đối xử (Công ước 111), yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết bất bình đẳng giới, bao gồm các hành vi phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, một báo cáo của ILO và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng lưu ý rằng nếu không có một định nghĩa rõ ràng trong Bộ luật Lao động hoặc trong Nghị định, người lao động Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước nạn quấy rối tình dục và điều này hoàn toàn vi phạm các quyền cơ bản.
Bà Andrea Prince, chuyên gia Luật Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, nhìn chung, thái độ đối với nạn nhân và người quấy rối đã bắt đầu được thay đổi qua việc pháp luật quốc gia, chính sách và sáng kiến của một số nhà tuyển dụng đã được điều chỉnh đúng hướng. Điều cần hướng tới là đảm bảo không có một sự thoả hiệp nào đối với quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
“Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới được công bố, chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực chống lại quấy rối tình dục tại nơi làm việc, với việc lần đầu tiên đưa vào luật định nghĩa về quấy rối tình dục,” bà Andrea Prince nói.
Định nghĩa đó có thể chưa phản ảnh đầy đủ tất cả các khía cạnh của vấn đề. Quấy rối tình dục luôn có đất để xảy ra phổ biến hơn ở những nơi có sự mất cân bằng giới. Do vậy, bà Andrea Prince nhấn mạnh: “Việc đưa ra định nghĩa là một bước tiến quan trọng, pháp luật cần phản ánh những yêu cầu và quyền bình đẳng tại tất cả các điều khoản. Cần nhấn mạnh rằng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã có những bước tiến rõ nét theo hướng này, tuy nhiên vẫn còn những điểm cần tiếp tục cải tiến. Điều tối quan trọng là cần có giải pháp thực thi mạnh mẽ và những hình phạt thích hợp.”
Bàn về việc sửa đổi quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, hiện nay việc nhận diện các hành vi quấy rối tình dục trong thực tiễn rát khó khăn, vì vậy cần có quy định cụ thể. Đặc biệt là các khái niệm, định nghĩa cần rõ ràng để khi doanh nghiệp, người lao động có thể dễ dàng triển khai quy định này trong cuộc sống, đề ra các giải pháp để bảo vệ người lao động.
Việc có được những tiến bộ về mặt luật pháp đối với vấn đề quấy rối tình dục tại Việt Nam là một điểm khởi đầu quan trọng, đưa ra tín hiệu cho thấy Chính phủ và Đảng rất coi trọng vấn đề này và người sử dụng lao động cũng cần phải hành động tương tự...
“Nếu chỉ cần thay đổi hệ thống luật pháp là chưa đủ để chấm dứt quấy rối tình dục. Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ cũng hết sức cần thiết để làm nổi bật lên tác hại của quấy rối tình dục. Điều này cho thấy không thể dung túng cho vấn nạn này tại nơi làm việc, cũng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới vốn liên quan đến sự mất cân bằng về cán cân quyền lực giữa hai giới trong lao động,” bà Andrea Prince lưu ý.
Nội dung được đề xuất trong dự thảo Công ước quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc cũng phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, khi Quốc hội đang xem xét những nội dung sửa đổi về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Bộ luật Lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay, đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam sẽ tham gia vòng đàm phán cuối về một Công ước mới của ILO tại Geneva (Thuỵ Sĩ) từ ngày 17-19/6 trong khuôn khổ Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 108. Sự quan tâm của Việt Nam đối với Công ước mới này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế toàn cầu về lao động và hội nhập quốc tế./.
Năm 2015, với sự hỗ trợ của ILO, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam, Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, khuyến khích áp dụng trên toàn quốc đối với tất cả các doanh nghiệp trong cả khu vực công và tư nhân. Bộ quy tắc đưa ra những hướng dẫn thực tế cho Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động về những hành vi được coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm thế nào để ngăn chặn và các bước cần thiết phải làm khi xảy ra quấy rối tình dục. |
Ý kiến của ông Lê Đình Quảng về sửa đổi quy định về quấy rối tình dục trong Bộ Luật Lao động: