Việt Nam tham gia Hội nghị thương mại gạo thế giới 2014

Đoàn Việt Nam cùng với các đoàn đến từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 6, khai mạc sáng 19/11 ở Phnom Penh.
Việt Nam tham gia Hội nghị thương mại gạo thế giới 2014 ảnh 1Hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm gạo tại The Rice Trader 2014. (Ảnh: Xuân Khu/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sáng 19/11, Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 6 (The Rice Trader 2014) đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh nước này với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu của các công ty, hiệp hội sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đoàn Việt Nam có hơn 80 đại biểu, đại diện cho gần 50 công ty và hiệp hội.

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Sun Chanthol nhấn mạnh lúa gạo là lương thực quan trọng đóng góp vào an ninh lương thực trên thế giới.

Ông Sun Chanthol kêu gọi các doanh nghiệp, công ty xuất khẩu gạo xây dựng chiến lược về thương mại gạo nhằm đảm bảo sự ổn định lượng thực, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa người tiêu dùng, tổ chức kinh doanh và người nông dân.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, bên cạnh hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, các đại biểu tham gia sẽ thảo luận các chủ đề nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu gạo, đảm bảo tính phát triển bền vững trong hoạt động trồng lúa; bàn về các biện pháp giải quyết các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu gạo, cũng như xu hướng và thách thức của hoạt động xuất khẩu gạo năm 2015. Hội nghị cũng tiến hành tuyển chọn và trao giải cho loại gạo ngon nhất năm 2014.

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết tham dự Hội nghị Gạo Thế giới là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, gặp gỡ giao lưu với các thương nhân trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo và tiến tới kết nối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Hội nghị cũng là nơi cung cấp thông tin về ngành gạo trên toàn cầu, nên sẽ giúp các doanh nghiệp gạo Việt Nam hiểu biết hơn về thị trường cũng như các xu hướng và biện pháp giải quyết khó khăn thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu gạo.

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung tăng cao chất lượng gạo, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm lợi nhuận cho người sản xuất và tiến tới hình thành thương hiệu gạo của Việt Nam trên thế giới.

Khu vực Đông Nam Á vẫn được coi là một trong những trọng điểm sản xuất lúa gạo của thế giới, với những nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với sản lượng tăng trưởng ổn định.

Trung Quốc, các nước trong khu vực ASEAN là những khách hàng trọng điểm của hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam.

Dự kiến năm 2014, lượng gạo xuất khẩu thương mại Việt Nam đạt khoảng 6,5 triệu đến 7 triệu tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.