Việt Nam tham gia tích cực vào khuôn khổ hợp tác nông nghiệp ASEAN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 45 (AMAF 45), diễn ra từ ngày 4-6/10 tại Kuala Lumpur.
Việt Nam tham gia tích cực vào khuôn khổ hợp tác nông nghiệp ASEAN ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị (trái) trao đổi song phương với Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh Lương thực Malaysia Mohamad Sabu. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 45 (AMAF 45), diễn ra từ ngày 4-6/10 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị, Trưởng AMAF Việt Nam, làm trưởng đoàn, đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp thiết thực.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Nông-Lâm nghiệp của các quốc gia thành viên ASEAN và Timor Leste, Tổng Thư ký ASEAN cùng đại diện các đối tác hợp tác của ASEAN.

Các thành viên khác trong Đoàn Việt Nam đều là lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

[Indonesia đề xuất ra Tuyên bố ASEAN về an ninh lương thực]

Hội nghị AMAF 45 có ý nghĩa quan trọng để rà soát tiến độ thực hiện và kế hoạch triển khai để thúc đẩy tăng cường hợp tác nông-lâm nghiệp ASEAN; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng và đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực ASEAN.

Hợp tác nông-lâm nghiệp ASEAN đang được triển khai có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng và phát thải thấp; nông nghiệp tuần hoàn; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp độc hại; tái chế chất thải từ cây trồng và động vật; thúc đẩy các giải pháp  dựa vào thiên nhiên; đảm bảo tài nguyên đất và nước bền vững; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp số...

Hội nghị khuyến khích các Nhóm công tác chuyên ngành ASEAN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong hợp tác lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp ASEAN.

Hội nghị AMAF 45 đã thông qua 16 tài liệu quan trọng do các Nhóm công tác chuyên ngành đệ trình liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản, lâm nghiệp. Các đại biểu cũng đã thông qua Thông cáo báo chí của Hội nghị.

Việt Nam tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp ASEAN, đóng góp rất lớn vào phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng; nông nghiệp tuần hoàn; an ninh lương thực và dinh dưỡng ASEAN.

Việt Nam đã chủ động khởi xướng và tham gia vào nhiều sáng kiến nông lâm nghiệp ASEAN, nhất là Khung an ninh lương thực chung ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN (SPA-FS) 2021-2025.

Việt Nam cũng khởi xướng chiến lược khu vực ASEAN về thúc đẩy năng lượng sinh khối và sáng kiến phát triển cộng đồng và làng nghề nông thôn ở khu vực ASEAN.

Trong khuôn khổ AMAF 45 cũng diễn ra Hội nghị Nông Lâm nghiệp ASEAN-Nhật Bản. Đây là hội nghị Bộ trưởng lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN-Nhật Bản.

Hợp tác ASEAN-Nhật Bản được triển khai thông qua cơ chế AMAF+3, với nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả giúp tăng cường năng lực toàn diện cho các quốc gia thành viên ASEAN trên nhiều lĩnh vực như an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất tốt, quản lý hệ thống tưới, năng lượng sinh khối.

Hội nghị lần này đã thông qua Kế hoạch hợp tác MIDORI ASEAN-Nhật Bản để tăng cường hợp tác hướng tới nông nghiệp bền vững và phục hồi và Hệ thống lương thực thực phẩm để đảm bảo an ninh lương thực khu vực.

Trong ngày 6/10, ngày cuối cùng của hội nghị, sẽ tiếp tục diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 23 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc về Hợp tác An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS) lần thứ 8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.