Việt Nam thu hút số lượng lớn kỷ lục doanh nghiệp Singapore

Chỉ tính riêng giai đoạn từ tháng 1-10/2020, ESG đã hỗ trợ nhiều hơn các dự án so với cùng kỳ năm ngoái trên những lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, các dịch vụ nghề nghiệp và giáo dục
Việt Nam thu hút số lượng lớn kỷ lục doanh nghiệp Singapore ảnh 1Một dự án FDI đang được triển khai tại Khu công nghiệp Sông Công II, Thái Nguyên. (Ảnh minh họa. Hoàng Nguyên/TTXVN)

Việt Nam đang thu hút được số lượng lớn kỷ lục doanh nghiệp Singapore trong bối cảnh các công ty này tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng hoạt động ra bên ngoài bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Enterprise Singapore (ESG) cho biết cơ quan này đã hỗ trợ nhiều hơn gấp đôi số dự án quốc tế hóa cho các doanh nghiệp tìm cách mở rộng vào Việt Nam từ năm 2018.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ tháng 1-10/2020, ESG đã hỗ trợ nhiều hơn các dự án so với cùng kỳ năm ngoái trên những lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, các dịch vụ nghề nghiệp và giáo dục.

Theo ông Tan Soon Kim, trợ lý giám đốc điều hành ESG, kể từ khi triển khai sáng kiến GlobalConnect@SBF của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) từ tháng 11/2019, sáng kiến này đã nhận được số lượng yêu cầu cao nhất cho các dự án kinh doanh ở nước ngoài trong khu vực tại Việt Nam.

Ông Tan Soon Kim lưu ý rằng lâu nay, các công ty Singapore muốn đầu tư hoặc mở rộng sang Việt Nam chủ yếu hướng đến các lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng và giải pháp đô thị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự quan tâm chú ý ngày càng gia tăng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và bán lẻ.

Ví dụ, công ty nước trái cây thực phẩm chức năng Doki Doki đã thành lập nhà máy tại Việt Nam vào năm 2017. Doki Doki đã quyết định mở rộng kênh bán hàng sang Việt Nam trong năm nay và đẩy mạnh việc ra mắt sản phẩm mới nước trái cây Lean Up. Chỉ trong vòng hai tuần sau khi ra mắt, sản phẩm đã bán hết sạch tại Việt Nam và Singapore.

Một công ty khác cũng đang tích cực mở rộng sự hiện diện bán lẻ của mình tại Việt Nam là Norbreeze Group, một tập đoàn chuyên phân phối và tiếp thị các thương hiệu trang sức và đồng hồ bao gồm Pandora, Olivia Burton, Bering, Coach, Boss và Tommy Hilfiger.

Norbreeze Group sẽ khai trương ba cửa hàng mới do tập đoàn sở hữu tại Việt Nam vào tháng 11/2020 và 5 cửa hàng đối tác trong khoảng tháng 12/2020-1/2021. Đến cuối năm 2020, Norbreeze sẽ quản lý mạng lưới bán lẻ gồm 19 cửa hàng tại Việt Nam, bao gồm 11 cửa hàng của tập đoàn sở hữu và tám cửa hàng do các đối tác vận hành. Và đến cuối năm 2021, mạng lưới của Norbreeze dự kiến sẽ có 35 cửa hàng.

[Việt Nam và Singapore xúc tiến hoạt động đầu tư kinh doanh]

Công ty khởi nghiệp (start-up) Kalpha ra mắt ứng dụng của mình tại Việt Nam trong năm nay. Toàn bộ mô hình kinh doanh của Kalpha dựa trên việc kết nối mọi người - giữa "người học" và "người chia sẻ" để học hỏi và chia sẻ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm.

Theo ông Jack Soh, người đồng sáng lập Kalpha, cho biết Kalpha đã đến Việt Nam vào tháng 11/2019 để ra mắt sản phẩm vào tháng 2/2020 nhưng dịch COVID-19 buộc công ty này phải lùi thời điểm ra mắt chính thức ra mắt vào tháng 7/2020.

Dù vậy, từ khi ra mắt thử nghiệm với chỉ từ khoảng 1.000-2.000 lượt tải xuống mỗi tháng, hiện tại ứng dụng của Kalpha đang có từ 6.000-8.000 lượt tải xuống mỗi tháng. Kalpha thậm chí đã mở một quán cà phê ngay bên ngoài trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh để tạo không gian cho các buổi gặp mặt diễn ra.

Một doanh nghiệp khác đã chuyển đổi mô hình khá lâu dài là Nova F&B của Tập đoàn NovaLand, đơn vị nhận quyền cho thương hiệu nhà hàng Jumbo Seafood tại Việt Nam. Đại diện của Jumbo Seafood Singapore cho hay trước khi xảy ra dịch COVID-19, hầu hết khách hàng đều thích dùng bữa tại các nhà hàng theo nhóm lớn. Và do vậy, dịch vụ giao hàng chưa bao giờ là một phần quan trọng trong tổng doanh thu của thương hiệu này.

Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, dịch vụ giao hàng đã trở thành một quy chuẩn mới và đội ngũ tại Việt Nam đã phải nhanh chóng giới thiệu các thương hiệu của công ty trên nền tảng giao hàng và thực hiện các chương trình khuyến mãi để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.

Nhìn chung, việc Việt Nam có thể nhanh chóng đối phó với đại dịch COVID-19 có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn lạc quan về kế hoạch kinh doanh của họ. Hiện tại, Nova F&B cho biết Jumbo Seafood hiện là một trong những nhà hàng hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và công ty đang “tích cực tìm kiếm” các địa điểm mới để mở rộng sự hiện diện.

Startup Kalpha đang triển khai các kế hoạch cung cấp các khóa học, hội thảo và hội thảo chuyên nghiệp. Kalpha cũng đang muốn mở rộng ra các địa phương khác của Việt Nam, bao gồm Đà Nẵng và Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.