Việt Nam thử nghiệm thành công lốp máy bay bơm hơi không săm

Sản phẩm lốp máy bay bơm hơi không săm là 1 trong 6 công trình được trao giải Nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, có thể tạo ra một ngành nghề mới là sản xuất lốp máy bay.
Việt Nam thử nghiệm thành công lốp máy bay bơm hơi không săm ảnh 1Việc sản xuất thành công lốp máy bay bơm hơi không săm sẽ tạo ra một ngành nghề mới là sản xuất lốp máy bay. (Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)

Sản phẩm lốp máy bay bơm hơi không săm là 1 trong 6 công trình được trao giải Nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Đoàn, công nghệ chế tạo lốp máy bay bơm hơi không có săm là một vấn đề hoàn toàn mới đối với Việt Nam.

Chưa có đơn vị, cơ quan nào trong nước nghiên cứu, giải quyết vấn đề này, cũng chưa có đối tác nào của nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất.

Đây là dạng công nghệ rất phức tạp, đòi hỏi phải có các thiết bị hiện đại. Tính toán sơ bộ để nhập dây chuyền và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất lốp máy bay từ nước ngoài phải mất khoảng 20 triệu USD.

Điểm độc đáo và sáng tạo của công trình là dựa vào thiết bị và dây chuyền hiện có tại Công ty Cổ phần Cao su Sao vàng và Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân để sản xuất.

Ngoài ra phải đầu tư thêm các thiết bị chuyên dùng như trống thành hình lốp, khuôn lốp, màng lưu hóa, vành ổn định sau lưu hóa và các thiết bị kiểm tra chất lượng lốp… cũng chỉ chiếm khoảng từ 5% đến 10% đối với tổng đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất lốp máy bay.

Giải quyết được vấn đề này sẽ mở ra một dạng công nghệ mới và có thể áp dụng để xây dựng quy trình công nghệ cho nhiều loại lốp máy bay cùng chủng loại.

Việc hoàn thiện công nghệ được bắt đầu từ chuẩn hóa nguyên vật liệu đầu vào, trong đó 60% là cao su thiên nhiên được sản xuất tại Việt Nam, còn hầu hết các vật tư, hóa chất khác đều nhập ngoại.

Tuy nhiên các vật tư, hóa chất này được bán rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước và về lâu dài vẫn có thể bảo đảm được cho nhu cầu sản xuất lốp máy bay.

Quy trình công nghệ chế tạo lốp máy bay L-39 ở giai đoạn sản xuất loạt cũng được hoàn thiện theo hướng tăng cường độ kín khí cho lốp, nhất là kín khí trong điều kiện tải trọng động, lốp chịu tải mỏi theo chu kỳ, điều chỉnh kích thước chiều rộng mặt cắt lốp 430x150 của lốp xuất xưởng đạt dung sai cho phép, giảm tỷ lệ phế phẩm do không đạt kích thước.

Phương pháp đánh giá chất lượng sản phẩm lốp máy bay xuất xưởng bằng phương pháp thử nghiệm đã được dự án hoàn thiện bằng cách rà soát lại các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sao cho chúng đủ để phản ánh chất lượng sản phẩm và phương pháp thử, đo đạc, xử lý số liệu thí nghiệm.

Sản phẩm có khả năng cạnh tranh về chất lượng cũng như giá thành vì với chất lượng tương đương nhưng giai đoạn dự án bằng 70% giá nhập ngoại, giai đoạn sản xuất loạt, thương mại hóa sản phẩm có thể tiếp tục ổn định chất lượng và giảm giá thành.

Việc sản xuất thành công sẽ tạo ra một ngành nghề mới là sản xuất lốp máy bay, khi nó được triển khai hết công suất sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động. Ngành Quốc phòng chủ động và kịp thời có thêm một loại phụ tùng thay thế rất cần thiết và khan hiếm cho máy bay huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Đại tá Nguyễn Hữu Đoàn là Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự thuộc Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Sản phẩm đã được sử dụng tại Trung đoàn 910, Trường sỹ quan không quân, Nha Trang, Khánh Hòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.