Trưa 13/2, bên lề Hội nghị “Nhóm đặc trách cao cấp về hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37," Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN để doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về vai trò của “Nhóm đặc trách cao cấp."
- Xin Thứ trưởng lý giải rõ hơn về ý nghĩa và vai trò của “Nhóm đặc trách cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37” được họp tại Việt Nam ngày hôm nay?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Đây là nhóm bao gồm các quan chức cấp Thứ trưởng của ASEAN chuyên trách, thảo luận những vấn đề chiến lược và mang tính tầm nhìn về hội nhập kinh tế của ASEAN, từ đó, đưa ra các khuyến nghị cần thiết cho các Bộ trưởng kinh tế thông qua cũng như báo cáo với các nhà lãnh đạo của ASEAN.
Vì bàn bạc các vấn đề có tính tầm nhìn, cả về hợp tác kinh tế nội khối, ngoại khối nên Nhóm đặc trách đã thảo thuận về những vấn đề cụ thể. Chẳng hạn như về hợp tác kinh tế nội khối, chúng tôi tập trung xem xét, đề cương báo cáo, đánh giá lại kế hoạch tổng thể thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2025.
Hiện chúng ta đã đi được một nửa chặng đường và đã đến lúc cần có đánh giá sơ bộ những kết quả đạt được, trên cơ sở đó, đưa ra các định hướng cho việc thiết lập cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong buổi họp hôm nay, Nhóm đặc trách cao cấp đã phê duyệt được đề cương báo cáo và sẽ giao cho Ban thư ký ASEAN thực hiện. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ nên lần này nhóm cũng bàn bạc để nghiên cứu về sự sẵn sàng của các nước ASEAN, từ đó, đưa ra một chiến lược toàn thể nhằm giúp các nước ASEAN bắt kịp trào lưu mới.
Về hợp tác kinh tế ngoại khối, Nhóm đặc trách cao cấp cũng đã xem xét hai vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, vấn đề về các tiêu chí để lựa chọn đối tác đàm phán tiềm năng giữa các nước ASEAN.
Thứ hai, Nhóm đặc trách xem xét lại toàn bộ tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) để từ đó đưa ra định hướng đàm phán trong năm 2020.
Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của các nhà lãnh đạo trong tuyên bố chung đã được đưa ra tại Bangkok vào năm 2019, mục tiêu hướng đến việc ký kết RCEP trong thời gian sớm nhất.
- Vậy trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona - COVID-19 (nCoV), việc tổ chức cuộc họp này có gặp khó khăn gì không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Đáng lưu ý, trong lần này, Việt Nam đã thể hiện rất tích cực vai trò nước Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra đã tác động đến nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị lần này đã gặp những khó khăn nhất định bởi Chủ tịch của Nhóm đặc trách là Thứ trưởng của Singapore không thể sang Việt Nam vì đang cùng với Bộ Thương mại của Singapore ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, Việt Nam đã hết sức nỗ lực tổ chức điều hành qua đường truyền video để ông Chủ tịch vẫn có thể tham gia điều hành phiên họp. Điều này đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam để bảo đảm các hoạt động của năm Chủ tịch ASEAN vẫn được diễn ra trôi chảy, được các nước hoan nghênh và đánh giá rất cao.
Hơn nữa, việc Hội nghị Nhóm đặc trách cao cấp tại Hà Nội ngày hôm nay vẫn diễn ra theo kế hoạch là nỗ lực lớn của Việt Nam. Về mặt nội dung, trong đợt này Việt Nam đã có những đóng góp cả về hợp tác nội khối lẫn hợp tác ngoại hối. Chẳng hạn như những kinh nghiệm trong việc đàm phán với một số đối tác như Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu đã được các nước rất quan tâm.
Đặc biệt, Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình đàm phán để giúp các nước ASEAN có thêm cơ sở cho việc lựa chọn đối tác đàm phán FTA trong tương lai. Các quan điểm của Việt Nam về vấn đề đàm phán Hiệp định RCEP cũng được các nước ASEAN đánh giá rất cao.
- Vậy liệu rằng Hiệp định RCEP có thể đi đến ký kết trong năm nay không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Về Hiệp định RCEP, khi các nhà lãnh đạo gặp nhau vào cuối năm 2019 tại Bangkok đã đưa ra công bố chung, theo đó khẳng định 15 nước đã kết thúc đàm phán hoàn toàn phần lời văn cũng như là phần mở cửa thị trường của Hiệp định.
Ấn Độ hiện còn một số vấn đề vẫn đang tiếp tục phải thảo luận với các nước khác trong đàm phán RCEP và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định này đều sẵn sàng dành cho Ấn Độ một khoảng thời gian để có thể thảo luận thêm với các nước khác. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu là kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP trong năm nay tại Việt Nam. Do vậy, hiện tại tất cả các nước ASEAN đều đang cố gắng để thực hiện mục tiêu này.
[Phản ứng nhanh để bù đắp giảm sút về kinh tế do tác động của dịch nCoV]
Cùng lúc đó, Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN đều hiểu là các vấn đề cần phải thảo luận thêm với Ấn Độ là vấn đề tương đối khó khăn. Dù vậy, Việt Nam sẵn sàng dành thêm thời gian cho Ấn Độ để thảo luận các vấn đề đó và tất cả các nước sẽ cố gắng tối đa để vừa đáp ứng yêu cầu của Ấn Độ nhưng cũng đáp ứng yêu cầu của các nước ASEAN. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải đảm bảo được yêu cầu chất lượng cao của Hiệp định RCEP này.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đã thảo luận với các nước ASEAN và các nước này đã đưa ra rất nhiều ý kiến và cả sáng kiến để có thể thảo luận thuận lợi hơn với Ấn Độ trong thời gian tới.
- Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu. Thứ trưởng đánh giá thêm về hiệu ứng của việc ký kết này trong nội khối kinh tế ASEAN?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA vừa được Nghị viện châu Âu thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Đó là tin vui không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả các nước ASEAN nữa. Như vậy, hiện nay trong ASEAN đã có Singapore và Việt Nam là hai nước đã có Hiệp định thương mại tự do với EU.
Đây sẽ làm một ví dụ rất tốt cho các nước ASEAN khác có thể nhìn vào, trên cơ sở đó nghiên cứu khả năng để đưa ra một hiệp định tương tự với Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, cả các nước ASEAN cũng như các nước Liên minh châu Âu đều mong muốn có một hiệp định giữa hai khu vực, tức là một Hiệp định lớn giữa Liên minh châu Âu và tất cả các nước ASEAN.
Hiện nay, Việt Nam với tư cách là nước điều phối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và các nước ASEAN vẫn đang hết sức cố gắng thúc đẩy ý tưởng này.
Mặc dù ý tưởng đã có từ lâu nhưng vì một số lý do trong thời gian vừa qua chưa tiến triển được như mong đợi. Nhưng những FTA đã có giữa Liên minh châu Âu và Singapore, bây giờ là giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam đã tạo sự tự tin tưởng cho các nước trong khối ASEAN.
Do đó, các nước đã rất quan tâm đến nội dung của Hiệp định và sẵn sàng lắng nghe Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm để có thể nghiên cứu và tiến hành trong thời gian sớm nhất nhằm thống nhất được một FTA giữa hai khu vực EU và ASEAN.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.