Trưa 24/11, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 (CLV-9) theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Cấp cao CVL-9.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đạt được của Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 9?
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương: Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV lần thứ 9 tại thành phố Siem Reap, Campuchia từ ngày 23-24/11. Trước thềm Hội nghị cấp cao CLV 9 là Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) và Hội nghị Ủy ban Điều phối chung (JCC) để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị của ba Thủ tướng.
Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 9 tập trung thảo luận về tình hình triển khai các thỏa thuận của ba Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 8; định hướng hợp tác khu vực trong thời gian tới.
Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 9, một số kết quả cụ thể như sau:
1. Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong Khu vực Tam giác phát triển CLV:
Tại Hội nghị lần này, Tổ công tác ba nước đã hoàn thành đàm phán và ký kết Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong Khu vực Tam giác phát triển CLV. Việc triển khai Hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư trong Khu vực CLV nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Khu vực Tam giác phát triển với các vùng khác.
2. Báo cáo nghiên cứu về Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su trong Khu vực Tam giác phát triển CLV:
Hội nghị đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản của Campuchia và Bộ Nông Lâm nghiệp của Lào đã hoàn thành dự thảo nghiên cứu Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su.
Để nghiên cứu này đi vào thực tiễn, cụ thể, ba Thủ tướng đã giao Tổ công tác ba nước tiếp tục dự thảo Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su để trình lên Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10.
3. Về Kế hoạch hành động kết nối nền kinh tế ba nước CLV đến năm 2030:
Tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 8 (25/11/2014), ba Thủ tướng giao phía Việt Nam chủ trì phối hợp với phía Lào và Campuchia xây dựng Kế hoạch này. Đến nay, về cơ bản phía Lào và phía Việt Nam đã thống nhất nội dung. Phía Việt Nam và phía Campuchia đang tiếp tục trao đổi để thống nhất nội dung.
4. Về danh mục các dự án ưu tiên để kêu gọi đầu tư từ các đối tác phát triển:
Hội nghị đã thống nhất và thông qua danh mục 15 dự án kêu gọi đầu tư, tài trợ từ các tổ chức tài chính, các đối tác phát triển (mỗi nước đề xuất năm dự án).
5. Về nghiên cứu xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch cho Khu vực Tam giác phát triển CLV:
Đây là nội dung được thống nhất tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 8 tổ chức năm 2014 tại Vientiane. Hiện nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch) đang tiếp tục trao đổi với các đối tác của Lào và Campuchia.
Ba Thủ tướng nhất trí giao cho các bộ, ngành và địa phương liên quan của ba nước hoàn thành dự thảo Kế hoạch phát triển du lịch cho Khu vực Tam giác phát triển, trình ba Thủ tướng tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10 tại Hà Nội năm 2018.
- Xin Thứ trưởng cho biết vai trò của Việt Nam trong Khu vực Tam giác phát triển CLV?
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương: Tôi cho rằng thành công của hợp tác CLV phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.
Ngay từ giai đoạn đầu hợp tác CLV hình thành theo sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Việt Nam đã tích cực phối hợp với hai nước Campuchia và Lào trong việc định hình cơ chế hoạt động, xây dựng các văn kiện mang tính định hướng, chiến lược.
Việt Nam chủ trì phối hợp với phía Lào và Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2004-2010 và bản sửa đổi Quy hoạch giai đoạn 2010-2020; nghiên cứu Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su cho Khu vực Tam giác phát triển CLV; đang chủ trì phối hợp với Lào và Campuchia hoàn thiện Kế hoạch hành động kết nối nền kinh tế đến năm 2030.
Việt Nam tham gia tích cực trong việc xây dựng các cơ chế chính sách hợp tác trong Khu vực CLV (chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực CLV; hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại Khu vực Tam giác phát triển CLV...).
Thêm vào đó, Việt Nam đã chủ trì xây dựng, tài trợ thiết bị, lắp đặt và hướng dẫn vận hành Trang thông tin điện tử cho Khu vực CLV...
Trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực phối hợp, nỗ lực triển khai nhiều chương trình và dự án hợp tác giữa các tỉnh trong Khu vực, đem lại những kết quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của 13 tỉnh Khu vực Tam giác phát triển nói riêng và sự thịnh vượng của ba nước nói chung. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã đầu tư hơn 100 dự án tại Khu vực CLV với số vốn khoảng 3,8 tỷ USD.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy, tích cực cùng Campuchia và Lào triển khai các kết quả đã được thống nhất tại Hội nghị cấp cao lần này./.