Sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc các hoạt động tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc và chuyến thăm chính thức Cuba, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến các hoạt động trong chuyến thăm và làm việc quan trọng này của Chủ tịch nước. TTXVN xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững tại New York (Hoa Kỳ). Xin Thứ trưởng cho biết tầm quan trọng và kết quả hội nghị cũng như những đóng góp của Đoàn Việt Nam tại sự kiện này?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Có thể nói, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững là hội nghị có quy mô toàn cầu lớn nhất, quan trọng nhất về phát triển kể từ sau Hội nghị cấp cao năm 2000 khi Liên hợp quốc thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).
Mục đích chính của Hội nghị cấp cao lần này là xây dựng một Chương trình nghị sự toàn cầu mới về phát triển trong 15 năm tới (2016-2030) thay thế MDGs đã đề ra cho giai đoạn 2000-2015. Hội nghị càng có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, là dịp để các nước đánh giá vị trí, vai trò của Liên hợp quốc trong 70 năm qua, đưa ra phương hướng hoạt động thời gian tới.
Điểm nổi bật và quan trọng nhất là Hội nghị đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới về phát triển mang tính bước ngoặt, phản ánh nguyện vọng chung của người dân trên toàn thế giới về một thế giới hoà bình, an toàn, không còn đói nghèo, công bằng, xanh và sạch. Khác với MDGs, chỉ tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, văn kiện Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc lần này với tên gọi "Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững", đã đề ra 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể, qua đó tạo khuôn khổ, định hướng mới về phát triển cho tất cả các nước trong việc ứng phó các thách thức chung, trên cả ba trụ cột là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Với tầm quan trọng đó, tất cả 193 nước thành viên Liên hợp quốc đều cử đoàn tham dự, trong đó có gần 130 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham gia tích cực, có đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng về các mục tiêu và nội dung phát triển bền vững.
Đáng chú ý, Liên hợp quốc và các nước đều trông đợi Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhất là chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc thực hiện MDGs và phát triển kinh tế-xã hội.
Dấu ấn nổi bật nhất của Đoàn Việt Nam là bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngay ngày đầu tiên của Hội nghị. Chủ tịch nước đã nêu bật các thách thức lớn đang đe dọa hoà bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới; khẳng định Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự năm 2030 và SDGs.
Trên cơ sở kinh nghiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước đã nêu bật các thông điệp và đề xuất lớn, gồm: Bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững ở mọi quốc gia; Các nước cần có quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước, lồng ghép SDGs vào mọi chính sách, chiến lược về phát triển, trong đó con người luôn ở vị trí trung tâm; Cần tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.
Chủ tịch nước cũng giới thiệu Chiến lược quốc gia của Việt Nam về phát triển bền vững, quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam; nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN duy trì hoà bình, an ninh trong khu vực để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Bên cạnh tham luận tại phiên họp chính của Hội nghị, Liên hợp quốc còn mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều sự kiện, diễn đàn cấp cao liên quan trong khuôn khổ Hội nghị. Chủ tịch nước đã có ba bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam về phát triển nông thôn bền vững, bảo đảm bình đẳng giới (là hai trong 17 SDGs và cũng là các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, đạt nhiều thành tựu).
Chủ tịch nước cũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao về hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên hợp quốc, trong đó chính thức thông báo Việt Nam sẽ sớm cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 và đơn vị công binh tham gia Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, đồng thời nêu bật quan điểm của Việt Nam về sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Theo ủy quyền của Chủ tịch nước, các thành viên Đoàn Việt Nam đã tham dự và phát biểu đóng góp tại nhiều diễn đàn của Hội nghị. Sự tham gia và đóng góp tích cực, thực chất trên nhiều lĩnh vực về phát triển bền vững và gìn giữ hoà bình của Chủ tịch nước và Đoàn Việt Nam tại Hội nghị đã được Liên hợp quốc và các nước đánh giá cao. Các nước đối tác nhìn nhận Việt Nam không chỉ là biểu tượng đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn là hình mẫu về phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong buổi tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu rõ, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là nước đóng góp rất tích cực trong thương lượng văn kiện Hội nghị cấp cao, có cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện MDGs, là điểm sáng về giảm đói nghèo, là một trong tám quốc gia tiên phong thực hiện sáng kiến “Một Liên hợp quốc”. Tổng thư ký nhấn mạnh nếu tất cả các nước đều nỗ lực hiệu quả như Việt Nam, chắc chắn thế giới sẽ thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Phóng viên: Được biết, ngoài việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh và các sự kiện cấp cao bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có nhiều tiếp xúc song phương với Tổng thống, Thủ tướng, lãnh đạo các nước và một số hoạt động với Hoa Kỳ. Xin Thứ trưởng đánh giá về các hoạt động này.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Như tôi đã nêu, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc lần này quy tụ rất đông lãnh đạo các nước tham dự. Trong hoạt động ngoại giao đa phương, đây là cơ hội tốt để gặp gỡ, thúc đẩy các mối quan hệ song phương. Hơn nữa, là điểm sáng trong thực hiện MDGs, cũng như được kỳ vọng rất lớn về thực hiện SDGs, Việt Nam được các nước quan tâm, chú ý.
Chính vì vậy, Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp song phương với Trưởng đoàn của gần 20 nước để trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm và tăng cường quan hệ song phương, nhất là với các nước mà hai bên có yêu cầu thúc đẩy hợp tác thực chất về kinh tế, thương mại, đầu tư, nhưng ít có dịp gặp cấp cao.
Trong các hoạt động song phương này, Việt Nam và các nước đã thảo luận các vấn đề cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời nhất trí về việc tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc.
Cùng với hoạt động đa phương trong khuôn khổ Liên hợp quốc, các cuộc tiếp xúc song phương đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước. Tất cả các nước khi tiếp xúc đều đánh giá cao công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam, cho rằng với những thành tựu như vậy, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2020-2021.
Các nước tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành SDGs, mong muốn phối hợp, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn thực hiện SDGs từ nay đến năm 2030.
Năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với rất nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện được xác lập từ tháng 7/2013 và tích cực triển khai kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư, hai nước cùng tổ chức một số hoạt động quan trọng, như phiên Đối thoại chính sách tại Hội châu Á; Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam -Hoa Kỳ về chủ đề tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); gặp và trao đổi với đông đảo bạn bè Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt Nam; tiếp Đại diện Thương mại, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ...
Tuy là hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc, các hoạt động song phương với Hoa Kỳ vẫn rất phong phú, với các cuộc tiếp xúc cùng các quan chức cấp cao chính phủ, học giả, đại diện doanh nghiệp, cộng đồng kiều bào.
Các hoạt động hiệu quả này góp phần triển khai thực chất kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư, cụ thể hóa tầm nhìn vạch ra trong Tuyên bố chung, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Phóng viên: Ngay sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Cuba. Xin Thứ trưởng đánh giá kết quả chuyến thăm này?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Như chúng ta biết, đất nước Cuba đang có những bước phát triển rất tích cực, cả về đối nội và đối ngoại, thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thành công tốt đẹp, góp phần tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Thứ nhất, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi chuyến thăm, tiếp xúc ở tất cả các cấp/ngành, nhấn mạnh ưu tiên trao đổi thực chất về kinh nghiệm phát triển ở mỗi nước nhằm nâng cao hiểu biết, củng cố sự tin cậy lẫn nhau.
Thứ hai, hai bên thỏa thuận duy trì thường xuyên và tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác đã thiết lập, nhất là Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế -thương mại và khoa học-kỹ thuật, nhằm tăng cường và đưa quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư song phương ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu và thực chất.
Điều này hết sức quan trọng trong bối cảnh tình hình Cuba biến chuyển tích cực, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta mở rộng thị trường và đầu tư tại Cuba trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và có thể bổ trợ lẫn nhau, như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng-dầu khí, công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng, thiết bị viễn thông, xây dựng, thương mại.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, doanh nghiệp hai nước đã ký sáu hợp đồng, dự án hợp tác cụ thể. Cuba khẳng định sẵn sàng làm cầu nối, hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước khu vực Mỹ Latinh và Caribbean.
Thứ ba, lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của hai nước; đồng thời đóng góp tích cực củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác bình đẳng ở hai khu vực và trên thế giới.
Trong chuyến thăm, phía Cuba đã dành cho Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tình cảm nồng hậu, sự đón tiếp trọng thị, mà biểu hiện sinh động đó là trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Huân chương Jose Marti, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước Cuba dành cho lãnh đạo và danh nhân nước ngoài.
Tóm lại, các hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến đi lần này đã thể hiện sinh động chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đề cao đường lối đối ngoại của Việt Nam vì hoà bình, hợp tác và phát triển, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thành công của hoạt động đối ngoại quan trọng này góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Liên hợp quốc và các nước, các đối tác lớn và bạn bè truyền thống.
Xin cảm ơn Thứ trưởng./.